Hơn 33.000 tỷ đồng đã được giải ngân cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Nhà máy này vốn được kỳ vọng khi đi vào vận hành sẽ có tổng công suất 1.200 MW, cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh điện mỗi năm. Tuy nhiên, sau những sai phạm đã được chỉ ra, thời gian qua, những vướng mắc về cơ chế đã khiến dự án rơi vào tình trạng bế tắc.
Sau gần 5 năm chậm tiến độ, tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhiều gói thầu thi công dở dang do thiếu vật tư, thiết bị… Tình trạng xuống cấp cũng đã xuất hiện tại nhiều hạng mục công trình.
Đến nay, tiến độ tổng thể Nhiệt điện Thái Bình 2 mới đạt khoảng 86%.
Dù nhiều thiết bị đã được lắp đặt và hết hạn bảo hành, nhưng việc vận hành thương mại của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa được triển khai. Sự lãng phí tài sản là hiện hữu. Lúc này, việc tìm ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án này là trách nhiệm được đặt ra.
Theo báo cáo, đến nay, tiến độ tổng thể dự án này mới đạt khoảng 86%. Sau gần 5 năm đình trệ, mới đây, với sự chấp thuận của Chính phủ, những rào cản để tiếp tục triển khai dự án đã được tháo gỡ.
"Với tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là gần 42.000 tỷ đồng, đây là một tài sản rất lớn của quốc gia. Hiện nay, tập đoàn đang tích cực triển khai những giải pháp cần thiết để có thể hoàn thành dự án vào cuối năm 2022", ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, cho biết.
Những vướng mắc về cơ chế đã khiến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 rơi vào tình trạng bế tắc.
Việc sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu là giải pháp kịp thời khi việc giải ngân nguồn vốn vay có bảo lãnh Chính phủ không tiếp tục được thực hiện, qua đó cũng đảm bảo cân đối và quản lý chặt dòng tiền, đưa dự án hoàn thành theo yêu cầu đề ra.
"Giải pháp duy nhất để đảm bảo thực hiện dự án hoàn thành là sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu, khoảng 3.000 tỷ. PVN đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng giải ngân theo đúng tiến độ", ông Nguyễn Hùng Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, nhận định.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mỗi năm, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân là hơn 26 tỷ kWh. Việc quyết tâm hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào cuối năm sau sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và tránh nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng đã đầu tư. Một dự án trọng điểm quốc gia sau 11 năm khởi công đã được hồi sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!