Giá dầu thế giới tăng mạnh
Ngày 5/10, giá dầu thế giới đã tăng mạnh lên các mức cao mới trong nhiều năm, trước những lo ngại toàn cầu về nguồn cung năng lượng trên thị trường dầu thô, khí đốt tự nhiên và than đá.
Tại Mỹ, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/10, giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 1,7% lên 78,93 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,6% lên 82,56 USD/thùng - mức cao nhất trong 3 năm qua.
Tại châu Âu, giá khí đốt tiếp tục đạt kỷ lục mới 1.300 USD/1.000 m3 trong phiên giao dịch ngày 5/10. Hiện nay, mức lưu trữ khí đốt tại các cơ sở ở châu Âu tính đến tháng 9 ở mức thấp chưa từng có.
Các chuyên gia dự báo giá dầu còn có thể tăng cao hơn nữa, cũng có nghĩa hàng loạt quốc gia trên thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh lên các mức cao mới trong nhiều năm. Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN.
Kinh tế thế giới bị đe dọa
Giá xăng dầu tăng mạnh cũng đồng nghĩa với nguy cơ hóa đơn tiền điện trong mùa đông sắp tới cũng tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát trong ngắn hạn. Tất cả những tác động này như là một "đòn giáng" nữa vào nền kinh tế thế giới, vốn đang vật lộn để có thể phục hồi dưới tác động quá lớn từ đại dịch.
Các nhà phân tích cho rằng, còn quá sớm để hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, nhưng một "đòn giáng" mạnh vào hoạt động kinh tế dường như là không thể tránh khỏi. Người dân ở các quốc gia như Anh, Tây Ban Nha, Italy hay Pháp… hiện đang phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng cao nhất mọi thời đại, làm tăng thêm những khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.
"Giá năng lượng đang thay đổi ở mức chúng ta chưa thấy trước đây. Khi nhìn vào tác động của nó, tôi muốn nhấn mạnh là không may sự biến động giá cả này cuối cùng người chịu ảnh hưởng sẽ là các khách hàng", ông Jonathan Brearley - người đứng đầu Cơ quan Quản lý năng lượng Ofgem, Anh cho hay.
Giá xăng dầu tăng mạnh cũng đồng nghĩa với nguy cơ hóa đơn tiền điện trong mùa đông sắp tới cũng tăng cao. (Ảnh minh họa - Nguồn: AP)
Cô Mayra Maldonado - Đồng sở hữu cơ sở giặt là, Tây Ban Nha nói: "Giá điện bắt đầu tăng sau dịch, khi mọi người quay trở lại làm việc. Làm việc từ xa đã ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi vì nhu cầu giặt là giảm. Nhưng giờ khi mọi thứ quay lại, giá điện lại tăng, khó khăn của chúng tôi vẫn vậy".
Giá khí đốt và xăng dầu tăng cao cũng có thể khiến lạm phát trên thế giới tăng cao hơn.
Tại Đức, với việc chi phí sản xuất ở các nhà máy đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, việc giá điện và nhiên liệu tăng có thể khiến lạm phát tiêu dùng tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào năm sau.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, nếu nhiệt độ ở Mỹ giảm sâu trong những tháng mùa Đông sắp tới, nhu cầu tiêu thụ khí đốt để sưởi ấm sẽ càng tăng mạnh, khiến lượng tồn kho khí đốt của nước này giảm sâu thêm và giá sẽ còn lên cao hơn nữa. Giá khí đốt tăng cao có thể khiến lạm phát ở Mỹ thêm trầm trọng.
Trong khi đó, với Trung Quốc, việc thiếu hụt năng lượng trên diện rộng đã buộc các nhà máy phải hạn chế sản xuất và khiến các nhà kinh tế phải cắt giảm dự báo tăng trưởng.
Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp thế giới. Việc các tập đoàn hóa dầu lớn của Trung Quốc bị ngừng hoạt động do thiếu điện đã khiến giá polyme cơ bản tăng 10%.
Ngoài ra, việc giá khí đốt và giá dầu tăng cao hiện nay cũng cho thấy một thực tế, việc thế giới muốn từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống sẽ còn nhiều gian nan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!