Ảnh minh họa.
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư Quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo Thông tư mới, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam là giá dịch vụ hành khách phải trả cho hành trình sử dụng trong khoang phổ thông của tàu bay đối với hạng dịch vụ đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đa số hành khách trên chuyến bay nội địa từ dịch vụ mặt đất cho đến dịch vụ trên không.
Dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được định giá phân loại theo cự ly nhóm đường bay, bao gồm nhóm dưới 500km (nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và nhóm đường bay khác); nhóm từ 500km đến dưới 850km; nhóm từ 850km đến dưới 1.000km; nhóm từ 1.000km đến dưới 1.280km và nhóm từ 1.280km trở lên.
Theo quy định hiện hành, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được quy định theo nhóm đường bay và quy định mức giá trần.
Cụ thể, nhóm dưới 500km (nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và nhóm đường bay khác) có mức giá tối đa từ 1,6 - 1,7 triệu đồng/vé/chiều.
Nhóm đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức tối đa là 2,250 triệu đồng/vé/chiều.
Nhóm đường bay từ 850km đến dưới 1.000km có mức tối đa là 2,890 triệu đồng/vé/chiều.
Nhóm đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280 km có mức tối đa là 3,4 triệu đồng/vé/chiều.
Nhóm đường bay từ 1.280km trở lên có mức giá tối đa là 4 triệu đồng/vé/chiều.
Bộ Giao thông vận tải lưu ý, giá vé máy bay vừa nêu chưa bao gồm các khoản thu như: Thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh (giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý); các khoản giá dịch vụ tăng thêm.
Thông tư cũng quy định, đối với trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi, một số loại dịch vụ chỉ thu bằng 50% mức giá quy định.
Về giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại các sân bay (như phở, bún, bánh mỳ…), doanh nghiệp tự quyết định chi phí phục vụ, nhưng không vượt quá 15% so với giá tối đa quy định.
Theo Bộ Giao thông vận tải, mức giá trần vé máy bay tăng do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá đều tăng cao. Năm 2022, giá nhiên liệu bay Jet A1 đã vượt ngưỡng 150 USD một thùng, trong khi năm 2015 giá Jet A1 chỉ khoảng 60 USD một thùng.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện các quy định về quản lý giá theo quy định tại thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không theo thẩm quyền, cũng như thông báo danh mục các đường bay nội địa theo nhóm cự ly bay...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!