Như vậy không cần chờ đợi đến ngày 1/6, nhiều người tiêu dùng đã có thể
mua sữa với mức giá mới, thấp hơn mức giá cũ đến vài chục nghìn đồng/hộp.
Theo thông báo, từ 28/5, hãng Abbott đã chủ động giảm giá bán buôn các nhãn sữa như Similac, Grow… cho đại lý khoảng vài chục nghìn đồng/hộp. Chủ cửa hàng cho biết, ngoài Abbott, các hãng sữa khác cũng thông báo sẽ hỗ trợ các đại lý 100% khoản chênh lệch giữa giá cũ và giá mới đối với các lô hàng đã nhập từ trước để giúp đại lý có thể giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng theo đúng quy định giá trần.
‘ Kiểm soát chặt giá sữa bột dành cho trẻ em. Ảnh: báo Đầu tư
Anh Lê Trọng Hải, Chủ cửa hàng 56 Dịch Vọng, Hà Nội cho biết: “Tôi đã được thông báo từ một số hãng sữa, nhưng điển hình là hãng sữa Abbott, họ tổng hợp tất cả những sữa còn lại trong cửa hàng, áp một mức giá”.
Bộ Tài chính cho biết, một số doanh nghiệp sữa như Abbott, Mead Johnson đã có văn bản gửi đến Bộ cam kết tuân thủ trần giá sữa. Điều này được hiểu là mức giá trần đó nằm trong khả năng chấp nhận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp cho rằng áp giá mới, họ có thể bị lỗ ở một số nhãn hàng. Bộ Tài chính cho biết, Bộ luôn sẵn sàng hợp tác để đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài chính khuyến nghị: “Trong trường hợp đó, doanh nghiệp có 3 bước: Một là tự xác định tất cả chi phí để có thể thực hiện giá trần quy định. Bước 2, cùng với cơ quan Nhà nước trao đổi, làm rõ chi phí, có những khuyến cáo cần thiết để doanh nghiệp tiết giảm chi phí. Bước 3, chúng ta sẽ xem lại giá trần nếu quả thật giá trần đem đến lỗ”.
Trước lo ngại của người dân về việc doanh nghiệp sữa có thể lách bằng cách thay đổi mẫu mã nhãn hàng để ra khỏi danh mục áp trần giá trần, ông Nghĩa cũng cho biết, Bộ Tài chính đã lường trước các tình huống này. Trong trường hợp đó, Bộ đã quy định bất kỳ nhãn sữa mới nào đều phải làm thủ tục đăng ký giá theo quy định, sau 5 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký giá, Bộ sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm đó.