Đặc biệt, các loại phân bón như: phân DAP, urê và kali tăng giá mạnh, trong đó có những loại đã tăng gấp đôi so với năm 2020.
Nguyên nhân được chỉ ra là do lưu huỳnh và ammoniac, 2 nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phân DAP và MAP trên thị trường thế giới đã tăng mạnh từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn, tức tăng hơn gấp đôi.
Dịch COVID-19 còn khiến sản xuất đình trệ, phân phối gián đoạn nên cũng gây tình trạng khan hiếm ở một số nơi, qua đó đẩy giá phân bón tăng cao. Đáng nói, đầu vào tăng nhưng đầu ra nông sản lại giảm, nhiều nông dân rơi vào cảnh sản xuất cầm cự.
Lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi là cách bà con nông dân ở các vùng nông nghiệp trọng điểm đang cầm cự.
Chưa năm nào ông Cương (huyện Mê Linh, Hà Nội) thấy khó khăn như năm nay. Để có phân cho hơn 1 mẫu hoa, ông lại phải vay nợ mới, trong khi nợ cũ chưa trả hết.
"Phân bón năm ngoái tăng một ít rồi, năm nay tăng lên rất nhiều, tăng từ 10 - 30%. Làm thì không bán được", ông Đặng Duy Cương chia sẻ.
Xã Mê Linh có hơn 200 ha trồng hoa, mỗi vụ dùng hết khoảng 500 tấn phân bón các loại. Với tình hình giá phân bón tăng cao như hiện nay, chị Bằng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) và nhiều nông dân khác phải thu hẹp diện tích trồng hoa để chuyển sang trồng màu.
"Tôi mong sao giá phân được bình ổn, chúng tôi làm ra, thu nhập phù hợp với cuộc sống của", chị Bằng cho hay.
Thời điểm hiện nay đang là mùa chăm sóc cà phê ở Tây Nguyên. Mọi năm, ông Bằng mua một lượng lớn phân bón, nhưng năm nay ông phải giảm bớt do giá phân tăng cao.
"Một bao urê lên đến 100.000 đồng, nên mình cố gắng ủ cà phê bằng phân vi sinh để giảm tỷ lệ phân hóa học đi", ông Nguyễn Tất Bằng, Làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai, cho biết.
Lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi là cách bà con nông dân ở các vùng nông nghiệp trọng điểm đang cầm cự khi họ phải chịu cùng lúc tác động của dịch COVID-19 và giá phân bón tăng cao.
Hoãn xuất khẩu để tăng nguồn cung phân bón
Theo Cục Bảo vệ thực vật, dự báo giá phân bón và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này trên thế giới chưa thể hạ ngay trong thời gian ngắn tới đây. Vì vậy trên cơ sở xem xét nguồn cung, các bên đều phải có giải pháp để khắc phục.
Ngoài việc chủ động được phân urê, phân lân, Việt Nam hiện có 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP và MAP với công suất 710.000 tấn/năm, thấp hơn nhiều so với nhu cầu khoảng 1 triệu tấn/năm hiện nay.
Bên cạnh thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, phân bón đang trên đà tăng giá. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trong khi sản xuất không đủ cho tiêu dùng thì đang có tình trạng các doanh nghiệp hàng năm vẫn xuất khẩu tới 40% sản lượng DAP làm ra. Thực tế này là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp hạ nhiệt giá phân bón trong thời gian tới.
"Chúng tôi đã chủ động, phối hợp với Bộ Công Thương để phổ biến thông tin minh bạch, rõ ràng cho các doanh nghiệp, người dân. Từ tháng 4, chúng tôi đã họp với các doanh nghiệp lớn, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất tối đa công suất của mình, ưu tiên phân phối cho các vùng trọng điểm và đề nghị các doanh nghiệp tạm thời trong thời gian trước mắt không xuất khẩu, ưu tiên bán thị trường trong nước và làm sao giữ giá thành hợp lý để người dân không phải mua giá phân bón ở mức cao", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết cũng không loại trừ khả năng thị trường phân bón đang bị khan hiếm giả tạo ở một số địa phương. Phân bón tăng giá là do nguyên liệu đầu vào tăng, chứ không phải thiếu nguồn cung.
Cục sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện yếu tố đầu cơ, găm hàng tích trữ để đẩy giá lên. Lúc này, nỗ lực từ mỗi người dân và doanh nghiệp được đánh giá là yếu tố quan trọng để kìm hãm mức tăng, qua đó giúp ổn định thị trường.
Chung tay giảm áp lực giá phân bón
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong khi giá phân bón DAP thế giới tăng tới 49%, giá trong nước chỉ tăng quanh 10%.
Ngay từ đầu năm, nhà máy thuộc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã phải dừng, giảm kế hoạch xuất khẩu và tăng công suất lên 105%, qua đó cung ứng gần 500.000 tấn urê, NPK… phục vụ thị trường trong nước.
"Chúng tôi nỗ lực vượt qua khó khăn vì COVID-19, cùng với nhà thầu, các đơn vị khắc phục dây chuyền sản xuất NPK và kịp ra lô hàng đầu tiên phục vụ nông dân", Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau Văn Tiến Thanh cho biết.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết không loại trừ khả năng thị trường phân bón đang bị khan hiếm giả tạo ở một số địa phương. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Còn tại Tây Nguyên, hiện hầu hết các gia đình đều tự ủ phân hữu cơ để chủ động nguồn và tiết kiệm chi phí sản xuất. Bà Tuih (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã tận dụng một lượng lớn vỏ cà phê trộn thêm phân chuồng và men vi sinh. Sau hơn 4 tháng, bà thu được 100 bao phân bón hữu cơ.
Từ chỗ hàng năm chỉ sản xuất chưa đến 1 triệu tấn phân hữu cơ, hiện cả nước đã có hơn 2,6 triệu tấn. Nếu tận dụng tốt nguồn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản thì cả nước sẽ tiến tới chủ động được nguồn phân bón, hạn chế phụ thuộc vào phân vô cơ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến cáo hướng dẫn nông dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Các chuyên gia cho rằng để giá bán phân bón trong nước hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân, cần sớm sửa đổi những bất cập trong luật thuế khi phân bón hiện là mặt hàng chưa chịu thuế giá trị gia tăng. Khi đó, việc đầu tư, cải tiến kỹ thuật sản xuất sẽ được khấu trừ chi phí trang thiết bị, công nghệ, qua đó sẽ giảm chi phí giá thành và gián tiếp góp phần giảm giá bán phân bón trên thị trường trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!