Nếu so với lúc đạt đỉnh 100.000 đồng/kg, hiện giá lợn hơi giảm 35.000 đồng/kg.
Đơn cử hôm qua (13/10), giá lợn hơi giảm 1.000 - 5.000 đồng/kg trên cả nước, xuống mức 66.000 - 76.000 đồng/kg tùy vùng. Như vậy, nếu so với lúc đạt đỉnh 100.000 đồng/kg, hiện giá lợn hơi giảm 35.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 1 năm qua.
Giảm mạnh vì nguồn cung khá dồi dào
Lý giải giá lợn giảm mạnh, một số doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi cho rằng do sức mua trên thị trường giảm. Bên cạnh đó, lợn nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam tăng cao. Hơn nữa, do lo ngại bệnh dịch tả lợn châu Phi quay trở lại khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng, bán sớm hơn kế hoạch.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, nói: "Chúng tôi kỳ vọng giá lợn hơi sẽ xuống và giữ ở mức khoảng 70.000 đồng/kg theo đúng dự báo". Đại diện Cục Chăn nuôi giải thích thêm, nguyên nhân khiến giá lợn giảm trong thời gian gần đây là do đã đáp ứng được nguồn cung.
Cụ thể, hiện nay tốc độ tái đàn đang tăng rất tốt, với mức tăng 12%. "Chúng tôi tin rằng sẽ đáp ứng đủ nguồn cung thịt lợn vào quý IV/2010 và dịp tết Tân Sửu sắp tới", ông Dương khẳng định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho hay giá thành sản xuất với người chăn nuôi lợn nhỏ lẻ hiện ở mức khoảng 70.000 đồng/kg, nên giá như hiện tại là phù hợp. Còn chăn nuôi lớn tập trung giá thành sản xuất hơn 50.000 đồng/kg nhưng vẫn phải giữ giá như vậy để cân bằng cung cầu. Bởi nếu giá giảm xuống quá thấp thì hàng triệu hộ nông dân sẽ gặp khó khăn.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết đến tháng 9/2020, tổng đàn lợn đã đạt 22,57 triệu con, bằng 82% so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Sau một thời gian dài tăng mạnh, gần đây giá lợn hơi giảm mạnh.
Không còn lo thiếu thịt lợn
Hiện nay, tuy giá thịt lợn đã giảm so với thời điểm đầu năm 2020 nhưng giá con giống phục vụ cho tái đàn, tăng đàn vẫn đang ở mức cao. Nhiều người lo ngại với mức giá giống cao như vậy sẽ khiến người chăn nuôi e dè tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào cuối năm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận đến thời điểm này, tuy đã có gần 3 triệu lợn nái nhưng số lợn nái không sản xuất được ngay mà phải nuôi đến 7-8 tháng mới phối giống được. Khi phối giống, phải mất thêm 3 - 4 tháng mới có lợn con, do vậy áp lực về giống thời gian qua là có, dẫn đến giá giống cao.
Tuy giá thịt lợn hơi giảm sâu nhưng giá lợn bán lẻ trên thị trường chỉ giảm nhẹ. Vì vậy, giá thịt lợn đến tay người mua vẫn neo ở mức khá cao. Đơn cử, giá chân giò khoảng 120.000 đồng/kg, ba chỉ 170.000 đồng/kg, ba rọi 250.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ông Tiến cho biết sắp tới với cơ cấu đàn nái 3 triệu con này sẽ sản xuất và tung ra thị trường số lợn con lớn hơn, giúp áp lực giá giống giảm. Hơn nữa, đến hết tháng 9-2020, nước ta đã nhập khẩu 156.000 tấn thịt lợn từ các nước. Tổng hợp nguồn cung từ số lợn tái đàn, tăng đàn thời gian qua cộng với số lợn không được chọn giống và giải pháp tiếp tục nhập thịt lợn thì lượng cuối năm sẽ đảm bảo nhu cầu.
"Cạnh đó, nếu lượng thịt lợn vẫn thiếu hụt thì chúng ta đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm, trứng... Hiện số lượng thực phẩm từ nuôi trồng thủy sản đã tăng lên 430.000 tấn, các loại thịt khác tăng 336.000 tấn… Con số này đủ bù đắp cho thiếu hụt thị trường trong nước, phục vụ cho tăng trưởng và xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Dự án chăn nuôi khủng 1.500 tỷ đồng
Bộ NN&PTNT cho biết tình hình chăn nuôi trên cả nước chín tháng qua phát triển khá tốt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Ví dụ, đàn gia cầm tăng 5,7%, sản lượng thịt hơi đạt 1.056,7 ngàn tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng trứng gia cầm chín tháng ước tính đạt 10,7 tỉ quả, tăng 10,8%.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 9 vừa qua, ngành chăn nuôi đón nhận tín hiệu lạc quan với sự kiện khởi công dự án tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Đắk Lắk do Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Công ty Hùng Nhơn liên danh xây dựng. Đây là tổ hợp sản xuất theo chuỗi khép kín các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng, quy mô đất 200 ha, tiến độ thực hiện từ năm 2020 đến 2025.
Tuy vậy, theo Bộ NN&PTNT, tính đến cuối tháng 9 vừa qua có 29 tỉnh, TP có bệnh dịch tả lợn châu Phi với số lợn tiêu hủy lũy kế là 15.769 con.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!