Theo đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) mất 26 xu Mỹ (tương đương 0,4%) xuống 70,68 USD/thùng vào lúc 14 giờ 35 phút (giờ Việt Nam. Giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng giảm 41 xu Mỹ (0,6%) xuống 74,01 USD/thùng.
Cả Brent và WTI đều trên đà tăng giá hơn 6% trong tuần này, đánh dấu mức tăng giá theo tuần đầu tiên trong bảy tuần của hai loại dầu tiêu chuẩn này.
Ông Howie Lee, một nhà kinh tế từ Ngân hàng OCBC (Singapore), cho biết nỗi sợ hãi về biến thế Omicron đang giảm dần và nhu cầu về các tài sản rủi ro đang quay trở lại. Chuyên gia này cho biết thêm rằng sau khi dầu bị bán tháo mạnh trong hai tuần qua, có thể nhiều nhà đầu tư chuyên mua vào khi giá xuống đang cố gắng "vớt" các giao dịch ngay bây giờ.
Tuy nhiên, ông Lee cảnh báo rằng thị trường vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn nhiều rủi ro, khi còn một số lo ngại về việc liệu biến thể Omicron có thể khiến các nước hạn chế di chuyển xuyên biên giới trong mùa lễ hội hay không.
Giá dầu cũng đang chịu áp lực do hoạt động hàng không nội địa của Trung Quốc đang chững lại, sau khi từng khiến thế giới ghen ti với mức phục hồi nhanh chóng. Tình hình đó xảy ra giữa lúc Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách "không COVID" và thắt chặt hơn quy định về đi lại, trong khi niềm tin của người tiêu dùng yếu đi sau nhiều đợt bùng phát nhỏ lẻ lặp lại.
Một yếu tố đáng lo khác là cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ bậc đánh giá đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là China Evergrande Group và Kaisa Group, nói rằng họ đã vỡ nợ đối với trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ.
Điều đó càng làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, đồng USD mạnh hơn cũng ảnh hưởng đến giá dầu. Dầu thường giảm khi đồng bạc xanh tăng vì diễn biến đó khiến dầu đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!