GDP 9 tháng tăng 5,93%, kinh tế đang hồi phục

Theo Báo Đầu tư-Thứ sáu, ngày 30/09/2016 14:42 GMT+7

Có 80,3% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý trước. Ảnh: Đức Thanh

VTV.vn - 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP ước đạt 5,93% - một tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, song khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn rất khó.

Tín hiệu tích cực

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê chính thức công bố hôm qua (29/9), tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là "tín hiệu tích cực" của nền kinh tế, cho dù mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015.

Phân tích kỹ hơn, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, mức tăng trưởng 5,93% thấp hơn so với cùng kỳ, song điều quan trọng là, qua từng quý, tăng trưởng GDP quý sau vẫn cao hơn quý trước. Cụ thể, nếu tăng trưởng GDP quý I chỉ là 5,48%, quý II là 5,78%, thì tới quý III, tăng trưởng tới 6,4%.

"Tăng trưởng quý III đã có bước bứt phá mạnh mẽ, là mức tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, độ doãng tăng trưởng giữa quý III và quý II đã lên tới 0,62 điểm phần trăm, gấp đôi so với độ doãng tốc độ tăng trưởng giữa quý II và quý I (0,3 điểm phần trăm). Điều này càng củng cố cho nhận định về tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Thậm chí, viện dẫn các số liệu khác, ông Hà Quang Tuyến cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, song được sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, cũng như sự "vào cuộc quyết liệt" của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thì nền kinh tế sẽ vượt qua khó khăn. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu sau 9 tháng đã tăng lên 6,7%, thay vì chỉ là 5,5% trong 6 tháng đầu năm; nhập khẩu quý III tăng mạnh trở lại; số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất trong 9 tháng đầu năm đã lên tới trên 20.000 doanh nghiệp; kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2016 cho thấy, có tới 80,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý trước; khu vực I - nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đạt được tốc độ tăng trưởng dương sau một số quý tăng trưởng âm…

Thậm chí, ở một góc nhìn khác, ông Hà Quang Tuyến cho rằng, bất chấp việc khai thác tài nguyên, khoáng sản đang gặp khó khăn, nền kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Điều đó có nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã không chỉ tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên như trước kia. "Đây là một bài học kinh nghiệm trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng sau này", ông Tuyến nói.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Bích Lâm cũng đã lý giải việc tăng trưởng GDP năm nay thấp hơn so với cùng kỳ là do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.

"Ngành công nghiệp chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,86% của 9 tháng năm 2015. Trong khi ngành chế biến, chế tạo vẫn đạt mức tăng 11,22%, đóng góp 1,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, thì ngành công nghiệp khai khoáng năm nay giảm tới 3,6%, làm giảm tới 0,28 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung", ông Lâm lý giải và cũng cho biết, tình trạng chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tính trong GDP ở tình trạng nhập siêu cũng đã làm giảm 1,9 điểm phần trăm tăng trưởng.

9 tháng đầu năm, tuy Việt Nam xuất siêu hàng hóa 2,76 tỷ USD, nhưng lại nhập siêu dịch vụ tới 3,4 tỷ USD. Nền kinh tế dù đang bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, song rõ ràng, khó khăn phía trước còn rất lớn.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Một câu hỏi luôn được đặt ra trong nhiều tháng gần đây, khi kinh tế khó khăn, đó là liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay không? Và câu trả lời, sau số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm được công bố, đó là rất khó đạt được.

Khi công bố báo cáo cập nhật kinh tế châu Á cách đây ít ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 xuống chỉ còn 6%, còn năm 2017 là 6,3%. Tuy nhiên, khá lạc quan, ông Hà Quang Tuyến cho rằng, những nhận định của ADB được đưa ra là dựa trên số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, chứ chưa được cập nhật cho tới hết quý III.

"Quý III, tăng trưởng GDP đã có bước đột phá. Sang quý IV, nhìn vào triển vọng hiện nay, từ việc gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu, tới sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cũng như kết quả khảo sát cho thấy 85,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất ổn định và tốt hơn trong quý IV…, thì tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục đạt mức cao hơn", ông Tuyến nói.

Theo dự báo của ông Tuyến, nhiều khả năng, tăng trưởng GDP quý IV năm nay sẽ đạt bằng với mức tăng trưởng của quý IV năm ngoái (7,01%). "Điều đó có nghĩa, sẽ không có chuyện nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng ở mức như dự báo của ADB", ông Tuyến nói.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, cả ông Lâm và ông Tuyến đều thừa nhận, khả năng mục tiêu tăng trưởng sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra là 6,7%, và thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP của năm ngoái. "Nhưng thấp hơn bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào khai thác dầu thô. Hiện bình quân 9 tháng đầu năm, khai thác 1,3 triệu tấn dầu thô/tháng, nếu quý IV tình hình khai thác dầu thô vẫn theo xu hướng tích cực như vậy thì sẽ đóng góp cho tăng trưởng của cả nước", ông Tuyến nói.

Một con số vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố cách đây ít ngày, đó là từ đầu năm đến hết tháng 9/2016, sản lượng khai thác dầu của PVN ước đạt 12,93 triệu tấn. Cũng theo PVN, giữa năm 2016, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Tập đoàn khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô và điều này sẽ góp phần mang lại cho ngân sách khoản thu khoảng 350 triệu USD.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh vẫn nhấn mạnh việc nên cân nhắc tăng khai thác dầu thô, bởi trong bối cảnh giá dầu thấp như hiện nay, tăng khai thác sẽ kém hiệu quả. "Đúng là tăng khai thác dầu thô sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song không được bao nhiêu, mà như vậy lại làm lãng phí tài nguyên", chuyên gia Cao Viết Sinh cảnh báo và cho rằng, nếu tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,01% - bằng quý IV năm ngoái, thì tăng trưởng GDP năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 6,3% - không đạt mục tiêu đề ra.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước