Trong siêu thị châu Á, gạo thường được đóng túi 5kg, có bao to tới 20kg. Điểm chung trên các bao gạo là hình ảnh một con vật nào đó, có màu sắc đặc trưng. Khách hàng ít khi nhớ nhãn hiệu gạo, mà thường chỉ nhớ gạo con hổ, gạo tê giác, phượng hoàng đỏ, hay sư tử vàng. Bao bì gạo chỉ có các thông tin tối thiểu, không có hướng dẫn tỉ mỉ như trên các gói gạo trong siêu thị châu Âu.
Người châu Âu thường không thổi cơm mà luộc gạo một cách máy móc theo chỉ dẫn trên bao bì. Nếu không có định lượng, thời gian in trên bao bì, họ sẽ lúng túng, không biết làm thế nào để nấu gạo thành cơm. Hàm lượng dinh dưỡng, hàm lượng chất xơ, calo, vitamin… là những thông số người châu Á ít khi để ý, ở châu Âu phải có trên hộp gạo. Thông tin bắt buộc trên hộp gạo là hạn sử dụng, như với mọi thực phẩm khác.
Với nhiều người châu Âu, thông tin trên gói gạo quan trọng nhất là khối lượng, gạo của nước nào, mất bao nhiêu phút để nấu chín.
"Thông thường, mỗi tuần tôi chỉ ăn khoảng một bữa cơm. Với tôi, thông tin trên gói gạo quan trọng nhất vẫn là khối lượng, gạo của nước nào, mất bao nhiêu phút để nấu chín" - ông Didier Spaepen, người Bỉ sống tại Brussels, chia sẻ.
Trong siêu thị châu Âu, nhãn hiệu gạo quan trọng hơn hình họa, thương hiệu luôn được in chữ rất to trên hộp gạo. Gạo bán ở đây thường đóng gói nhỏ, đa số là 1kg, nhưng cũng có gói 0,5kg. Nhiều hãng còn chia hộp gạo 1kg ra thành những túi nhỏ, mỗi túi 125 gram, tương đương một suất cơm cho một người ăn. Nguyên nhân là do người châu Âu thỉnh thoảng mới ăn cơm, ăn tới đâu bóc ra tới đó, phần gạo còn lại chưa dùng tới vẫn để lâu được, mà không sợ bị ẩm mốc, mất mùi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!