Các nhà lãnh đạo tài chính thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa tái khẳng định cam kết của nhóm, cho phép các chính phủ được can thiệp khi xuất hiện biến động tiền tệ quá mức. Cam kết này đặc biệt có ý nghĩa với Nhật Bản lúc này khi tỷ giá đồng Yen so với đồng USD đã ở mức thấp kỷ lục của 34 năm qua.
Cam kết được đưa ra sau những cảnh báo từ Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda, rằng Tokyo sẵn sàng can thiệp vào thị trường "bất cứ lúc nào" để chống lại các hành động đầu cơ đồng Yen, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.
G7 có một thoả thuận lâu dài rằng biến động tiền tệ quá mức là điều không mong muốn và các quốc gia có quyền hành động trên thị trường khi tỷ giá hối đoái trở nên quá biến động.
Đồng 10.000 Yen và đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN
Đồng Yen đã bị mất 11% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay do kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đã bị thu hẹp, dẫn tới cách biệt giữa tỷ lệ lãi suất cao của Mỹ và lãi suất cực thấp của Nhật Bản vẫn rất lớn.
Các thị trường đang tập trung theo dõi xem liệu Chính phủ Nhật Bản có tiếp tục can thiệp vào tỷ giá hối đoái, để ngăn chặn đồng Yen mất giá hơn nữa hay không.
Giá trị đồng Yen yếu vốn đã trở thành vấn đề đau đầu của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trong hai năm gần đây, do tác động của chúng đến chi tiêu tiêu dùng, thông qua việc làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!