"Việc FED quyết định nâng lãi suất cơ bản 0,25% và sẽ nâng tiếp 6 lần nữa trước cuối năm nay là nỗ lực quyết liệt nhất trong 15 năm qua nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm" là nhận định của tờ Tạp chí phố Wall số ra ngày 17/3 sau tuyên bố của FED.
FED quyết định nâng lãi suất cơ bản 0,25% và sẽ nâng tiếp 6 lần nữa trước cuối năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: iStock)
Tuy nhiên theo bài viết, hiện các quan chức FED đang phải đối mặt với 3 câu hỏi quan trọng khi cân nhắc các bước đi tiếp theo. Thứ nhất, họ cần nâng lãi suất lên mức trung tính ước tính nhanh như thế nào để không làm tăng hay giảm tốc độ tăng trưởng? Thứ hai, mức lãi suất trung tính đó có tăng lên hay không khi lạm phát gia tăng làm giảm chi phí đi vay thực tế? Thứ ba, liệu có khi nào FED cần tăng lãi suất lên trên mức trung tính nhằm cố tình làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế?
Một bài viết khác trên tờ Bưu điện Washington nhận định FED sử dụng công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao ngất trời mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Kết quả lý tưởng sẽ là cái các nhà kinh tế gọi là "hạ cánh nhẹ nhàng", nhưng điều này hiếm khi xảy ra trong lịch sử.
Theo bài viết, mục tiêu "Hạ cánh nhẹ nhàng" được cho là đã từng đạt được vào giai đoạn 1994 - 1995 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dưới thời Alan Greenspan tăng lãi suất cơ bản lên mức 6% và đạt được mục tiêu làm chậm lại tăng trưởng kinh tế nhưng không triệt tiêu nó. Tuy nhiên hậu quả là tổn thất khổng lồ của các nhà đầu tư trái phiếu và dẫn đến việc quận Cam, bang California bị vỡ nợ. Mexico khi đó cũng đã phải tìm kiếm một gói cứu trợ từ Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Vậy lần này thì sao? Các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định kết quả không chắc chắn. Cựu Thống đốc FED Lawrence Lindsey đặt cược khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái vào cuối năm nay ở mức 50%, khởi đầu bằng cuộc khủng hoảng của Phố Wall khi FED tăng chi phí tín dụng. Còn cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summer nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế diễn ra trước cuộc bầu cử 2024 chắc chắn tới 50%.
Cùng chủ đề này, tờ Thời báo New York nhận định việc nền kinh tế có chịu được với việc tăng lãi suất trong bối cảnh xung đột địa chính trị và dịch bệnh gia tăng vẫn là câu hỏi chưa có lời giải ngay lập tức.
Tuy nhiên, bài viết dẫn ý kiến James Paulsen, chiến lược gia trưởng của Leuthold Group, một công ty nghiên cứu chứng khoán độc lập tại Miniapolis, nhận định: "Lạm phát hiện đang ở mức rất cao và nguy cơ suy thoái còn cao hơn rất nhiều so với 12 tháng trước đây, nhưng có cơ hội khá tốt để đạt mục tiêu hạ cánh nhẹ nhàng".
Đây cũng là quan điểm được báo chí Mỹ nhận định khá phổ biến trong giới chuyên gia kinh tế của nước này. Bởi theo các chuyên gia, trong tay FED hiện vẫn còn những công cụ, cách thức để điều tiết nền kinh tế, dù các nhận định và dự báo của FED thường tích cực hơn nhiều so với thực tế diễn ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!