EVN công bố xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức BB

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 19/06/2018 10:27 GMT+7

VTV.vn - Cuối tuần trước, EVN công bố xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo đánh giá của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings ở mức BB (ổn định).

Xếp hạng này nhằm đánh giá khả năng vay, trả nợ của EVN bằng ngoại tệ trên thị trường vốn quốc tế. EVN cho biết đây là một bước đi trên đường hướng tới mục tiêu phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng USD, không thông qua bảo lãnh Chính phủ hay Chính phủ vay về cho vay lại.

Thứ hạng này của EVN tương đương với hệ số tín nhiệm quốc gia BB của Việt Nam. Tất nhiên, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp luôn chịu ảnh hưởng của xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nhất là doanh nghiệp Nhà nước như EVN.

Liên quan đến vấn đề trên, trong bài phân tích "Doanh nghiệp Nhà nước tìm cách dứt bầu sữa bảo lãnh" trên thời báo kinh tế Sài Gòn, câu hỏi đặt ra là tại sao EVN bắt đầu công bố rộng rãi kết quả xếp hạng tín nhiệm này. Trong khi đó, từ nhiều năm trước, một số tập đoàn như tập đoàn Dầu khí (PVN) hay tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) cũng đã phải thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm qua các tổ chức xếp hạng khác như Morgan Stanley hay Standard & Poor's trước mỗi kỳ hoàn tất hồ sơ phát hành trái phiếu quốc tế.

Từ năm 2010 đến nay, không có một đợt phát hành trái phiếu quốc tế nào của doanh nghiệp Nhà nước được công bố nên cũng không có xếp hạng tín nhiệm. Mục đích công bố của EVN cũng không nằm ngoài việc chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc tế, đa dạng hóa nguồn vốn vay. Thường trước đây các khoản nay vay đều được Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, trong năm 2017, báo cáo của Chính phủ mới đây cho biết đã không thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án mới vay vốn nước ngoài.

Hơn thế Chính phủ cũng công bố hạn mức vay thương mại nước ngoài được bảo lãnh năm nay là 700 triệu USD. Con số này chỉ tương đương với mức vay một dự án truyền tải điện mà Chính phủ đã từng bảo lãnh cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia năm 2016. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của nhiều đơn vị hàng năm lên đến hàng chục tỉ USD. Do vậy, chọn con đường làm hồ sơ vay vốn qua mức xếp hạng tín nhiệm ổn định - nghĩa là lãi suất vay sẽ thấp hơn, là bước chuẩn bị dài để tìm cách khác sau khi dứt "bầu sữa" bảo lãnh Chính phủ.

Trước EVN, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng tự tìm cách "dứt" bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay phát triển đội bay thế hệ mới. Theo Chuyên gia Cấn Văn Lực, trong bối cảnh dòng vốn ODA cho Việt Nam đang giảm và Chính phủ không bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước, mức xếp hạng này có ý nghĩa rất tích cực trong việc giúp các tập đoàn Nhà nước đa dạng hóa nguồn vốn, tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, để đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước