EVFTA và EVIPA: “Hai tuyến cao tốc lớn” nối Việt Nam - EU

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 08/06/2020 21:22 GMT+7

VTV.vn - Hiệp định EVFTA và EVIPA được thông qua, trở thành hai tuyến cao tốc quy mô lớn nối gần hơn Việt Nam - EU.

Với toàn bộ đại biểu có mặt tán thành, Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay (8/6). Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng đã được tuyệt đại đa số các đại biểu tán thành biểu quyết thông qua. Đây được coi là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi trong việc mở thêm "hai tuyến cao tốc quy mô lớn nối gần hơn EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau".

Hai hiệp định này được Quốc hội phê chuẩn cùng lúc với tỷ lệ tán thành cao đã gửi ra thế giới một thông điệp về Việt Nam ủng hộ tự do thương mại công bằng và dựa trên luật lệ, cũng như nền kinh tế Việt Nam vững vàng tiến ra biển lớn, bất chấp những thách thức chưa từng có đối với toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

EVFTA và EVIPA: “Hai tuyến cao tốc lớn” nối Việt Nam - EU - Ảnh 1.

Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA. (Ảnh: Dân trí)

Trước khi Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn 2 Hiệp định này, ngày 12/2 vừa qua, hơn 400 trong 633 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu cũng đã biểu quyết phê chuẩn 2 hiệp định. Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam được EU gọi là một "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà liên minh này từng ký với một nước đang phát triển".

Để có được kết quả tốt đẹp này, hai bên đã mất gần 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán. Trong đó, thời gian đàm phán chỉ mất 3 năm, nhưng, thời gian hoàn tất các thủ tục để hai cơ quan lập pháp phê chuẩn mất gần gấp đôi thời gian.

Về phía Việt Nam, đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt và liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Ban, Bộ ngành Trung ương, các cơ quan Chính phủ, cơ quan Quốc hội và các cơ quan tư pháp, cũng như giữa Thủ tướng Chính phủ với Chủ tịch Quốc hội.

Sau khi được tách thành Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư, kể từ đầu năm 2018, nhiều chuyến ngoại giao con thoi giữa Hà Nội và các nước châu Âu được tiến hành nhằm vận động các cơ quan của châu Âu triển khai thủ tục để ký chính thức và phê chuẩn hai Hiệp định.

EVFTA và EVIPA: “Hai tuyến cao tốc lớn” nối Việt Nam - EU - Ảnh 2.

EVFTA được thông qua, xe châu Âu sẽ được giảm thuế khi nhập vào Việt Nam.

Tháng 10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Liên minh châu Âu và Áo - nước lúc đó đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu. Ngay trong chuyến thăm, Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định trình Hiệp định lên Hội đồng châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức.

Tuy nhiên, do châu Âu phải xử lý các vấn đề của Hiệp định Thương mại tự do với Singapore và các thủ tục cho sự ra đi của nước Anh, nên phải mất hơn nửa năm sau, bước ngoặt của tiến trình này mới xảy ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Rumani - nước Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu vào cuối tháng 4/2019. Sau chuyến thăm gần 2 tháng, Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký 2 Hiệp định.

Ngày 30/6/2019, ngày lãnh đạo EU và Việt Nam đều coi là một ngày đặc biệt, mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ giữa hai bên, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vừa trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh G20, trước khi quay trở lại Tokyo để thăm chính thức Nhật Bản.

Với kim ngạch hai chiều năm 2019 gần 56,5 tỷ USD, chiếm hơn 1/10 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó, Việt Nam xuất siêu tới hơn 26 tỷ US. Dự kiến, trung bình mỗi năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sẽ tạo thêm khoảng 150.000 việc làm mỗi năm. Nhờ đó, trong 10 năm tới sẽ có thêm 0,8 triệu người Việt Nam có thể thoát nghèo.

Nếu tận dụng được hết những cơ hội mà các Hiệp định này mang lại, ước tính 2 con đường cao tốc này sẽ giúp tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ trên 2% đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện và đến 5,3% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.

EVFTA và EVIPA: “Hai tuyến cao tốc lớn” nối Việt Nam - EU - Ảnh 3.

Xuất khẩu gỗ được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều từ EVFTA.

Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực sau 2 tháng kể từ khi được Quốc hội phê chuẩn. Hiện, Chính phủ đã hoàn tất xây dựng dự thảo kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định. Như vậy, Nhà nước đã thực hiện xong việc mở hai cao tốc quy mô lớn để kết nối Việt Nam với thị trường EU, nhiệm vụ còn lại giờ là của các doanh nghiệp.

Nếu tận dụng được hết những cơ hội vàng mà Hiệp định đem lại thì đây sẽ là một điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể bật dậy được ngay sau đại dịch COVID-19. Quan trọng hơn nữa, về lâu dài Việt Nam có thể đa dạng hóa được các đối tác thương mại và trở nên hấp dẫn hơn nữa với các nhà đầu tư trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu đang tiếp tục dịch chuyển.

Việt Nam và EU nỗ lực sớm đưa hiệp định EVFTA có hiệu lực Việt Nam và EU nỗ lực sớm đưa hiệp định EVFTA có hiệu lực

VTV.vn - Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8 năm nay hoặc sớm hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước