Ảnh: Reuters.
Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, xu hướng suy yếu của đồng USD sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới, chủ yếu do sự chuyển đổi sang một khuôn khổ chính sách mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cho dù số ý kiến nhận định về đà giảm sâu đã giảm phần nào so với cuộc khảo sát tháng trước.
Môi trường lãi suất hấp dẫn, vốn là động lực lớn nhất cho "quyền lực tuyệt đối" của đồng USD trong hơn hai năm qua, đã suy yếu và thể hiện qua việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm xuống. Điều này diễn ra sau khi FED tuyên bố trong tuần trước rằng họ sẽ chấp nhận thời kỳ lạm phát cao hơn và tập trung hỗ trợ cho thị trường việc làm.
Diễn biến đó đã khuyến khích nhà đầu tư bán ra đồng bạc xanh, trong khi giới đầu cơ tiền tệ tăng cường đặt cược vào xu hướng giảm của đồng tiền này. Đồng USD hiện đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, giảm khoảng 10% so với mức đỉnh của tháng Ba và đẩy đồng Euro vượt qua mốc 1,20 USD đổi 1 Euro lần đầu tiên kể từ năm 2018 vào ngày 1/9.
Với lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ ở mức thấp lâu hơn như theo kế hoạch mới nhất của FED, khảo sát của Reuters với hơn 80 nhà chiến lược ngoại hối toàn cầu cho thấy đồng USD sẽ còn suy yếu nhẹ trong năm tới.
Đà suy giảm của đồng USD có thể kéo dài sang năm 2021?
Ông Lee Hardman, chuyên gia kinh tế tiền tệ tại tập đoàn tài chính MUFG, cho biết nguyên nhân chính khiến đồng USD giảm mạnh trong 4-5 tháng qua là do các động thái chính sách của FED. Về cơ bản, ngân hàng trung ương của Mỹ đã cắt giảm lãi suất về 0%, khiến chênh lệch lợi suất trái phiếu ở Mỹ so với phần còn lại của thế giới thu hẹp. Yếu tố chênh lệch này từng giúp duy trì một đồng USD khá mạnh trong những năm trước, song điều này hiện không còn nữa.
Trong khi bất ổn chính trị tại Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới cùng những lo ngại về đà phục hồi kinh tế của nước này cũng đã làm suy yếu đồng bạc xanh, hầu hết các chiến lược gia cho rằng động thái thay đổi chính sách của FED sẽ là động lực lớn nhất của đồng USD trong phần còn lại của năm.
Đồng Euro là bên hưởng lợi chính từ sự sụt giảm của đồng USD, đặc biệt là sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói 750 tỷ euro (khoảng 888,5 tỷ USD) hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch và việc khối này mở bán một trái phiếu chung. Kể từ đó, đồng tiền chung châu Âu đã tăng hơn 3,5% so với đồng USD.
Tuy nhiên, giới giao dịch đã bắt đầu bình tĩnh hơn sau khi các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo nếu đồng Euro mạnh hơn nữa sẽ đè nặng lên xuất khẩu, kéo giá xuống và gia tăng áp lực buộc ECB tiến hành thêm các biện pháp kích thích tiền tệ.
Theo khảo sát của Reuters, đồng Euro được dự báo sẽ tăng khoảng 2,5% lên 1,21 USD đổi 1 USD trong vòng một năm tới, từ mức 1,18 USD/Euro ghi nhận vào ngày 3/9. Tuy nhiên, dự báo này được đưa ra trước khi EU công bố dữ liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) từ cuộc suy thoái kỷ lục đã suy yếu trong tháng Tám.
Ông Gavin Friend, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại ngân hàng NAB, cho biết ECB có thể muốn "học theo" FED trong việc cho phép nền kinh tế nóng lên một chút và điều này có thể khả thi sau một thời gian nhất định. Nhưng đây không phải là điều mà thị trường đang tìm kiếm trong cuộc họp của ECB vào tuần tới.
Chuyên gia Friend cho rằng tại cuộc họp trong tuần sau, ECB sẽ nhắc lại cam kết điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng cần thiết. Nhưng điều đó sẽ không đủ để xu hướng giảm của đồng USD ngừng lại do sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!