Hai đạo luật kiểm soát công nghệ sắp có hiệu lực trong EU
Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực từ 25/8 này, một đạo luật điều chỉnh hành vi của các nền tảng như Google, Apple, Facebook hay Amazon.
Tổng cộng, EU đã chỉ ra 19 công ty công nghệ lớn nằm trong danh sách phải tuân thủ đạo luật này, nếu không sẽ phải chịu án phạt nặng.
Đạo luật sắp có hiệu lực của Liên minh châu Âu buộc các nền tảng kỹ thuật số, công ty công nghệ phải kiểm soát nội dung và cho người dùng nhiều quyền lựa chọn hơn. Những hệ thống khép kín đang triệt tiêu cạnh tranh, củng cố độc quyền. Người dùng iPhone chỉ có thể mua và cài ứng dụng từ cửa hàng của Apple, bất cứ ai tạo ra ứng dụng mới muốn bán cho người dùng iPhone cũng không có cách nào khác là thông qua cửa hàng của Apple. Người dùng sử dụng đồng hồ Galaxy hầu như bắt buộc phải mua điện thoại Samsung, máy tính Samsung. Hoặc Amazon môi giới bán hàng luôn luôn tìm cách ngăn cản bên mua bên bán gửi tin nhắn trực tiếp cho nhau. Những hành vi đó nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số.
Amazon, Apple, Facebook và Google sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt theo đạo luật Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU. (Ảnh: Reuters)
"Tôi có thể nói rằng, Internet và các nền tảng sẽ an toàn hơn, công bằng hơn và minh bạch hơn. Đối với doanh nghiệp, cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn. Người tiêu dùng sẽ thấy an toàn hơn khi mua hàng, người tham gia mạng xã hội an toàn hơn khi thảo luận trên mạng. Nếu vi phạm, các công ty cung cấp dịch vụ và sản phẩm có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu", bà Christel Schaldemose, báo cáo viên về Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số, nhận định.
Một đạo luật khác cũng được thông qua cùng thời điểm đầu tháng 7 vừa qua, liên quan tới thị trường kỹ thuật số, nhưng phải chờ tới năm sau mới có hiệu lực. Tuần sau, Ủy ban châu Âu sẽ bắt thông báo cho các công ty công nghệ biết dịch vụ nào của họ chịu sự chi phối Đạo luật Thị trường.
"Đạo luật Thị trường kỹ thuật số sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về luật công nghệ, nhờ việc thay đổi nghĩa vụ chứng minh. Chính các công ty công nghệ lớn sẽ phải chủ động chứng minh rằng họ tuân thủ luật pháp, Ủy ban châu Âu không còn phải mất công tìm kiếm lỗi sai của họ nữa", ông Andreas Schwab, báo cáo viên về Đạo luật Thị trường kỹ thuật số, cho biết.
Mặc dù các quy định mới chỉ áp dụng trong lãnh thổ Liên minh châu Âu, nhưng tác động sẽ lan rộng trên toàn cầu, do việc các quy định của Liên minh châu Âu thường là khuôn mẫu cho những khu vực khác. Ví dụ gần nhất, Quy định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng từ 5 năm trở lại đây, đang được nhiều nước bên ngoài Liên minh châu Âu sử dụng.
EU nỗ lực bảo vệ người dùng các nền tảng trực tuyến
Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra câu hỏi cấp bách là trong những trường hợp tin giả, tin xấu độc, hay lừa đảo tràn lan, trách nhiệm của các nền tảng này sẽ nằm ở đâu? Bằng các đạo luật của mình, EU đã bắt các tập đoàn công nghệ trên phải có câu trả lời.
Trong những năm qua, liên tiếp diễn ra các vụ việc CEO công nghệ phải ra điều trần, hay bị điều tra bởi các chính phủ và nỗ lực chia nhỏ các tập đoàn khổng lồ này ra, nhưng đều chưa làm được. Dư luận nhiều nước đã phải đặt ra câu hỏi "liệu các công ty này có thực sự nghĩ rằng họ có quyền lực ngang ngửa với giới chức chính phủ hay không?".
"Sức mạnh nào đang điều khiển cảm xúc, kiến thức, các mối quan hệ xã hội và lòng tin của mỗi chúng ta? Không nghi ngờ gì nữa, quyền lực kiểm soát phần lớn cuộc sống của chúng ta đang nằm trong tay một số các tập đoàn công nghệ tư nhân", ông Ramesh Srinivasan, trường đại học California, Mỹ, nói.
Khi quá nhiều niềm tin dồn vào một vài nền tảng như vậy, dễ hiểu là tại sao các nền tảng công nghệ này trở thành mảnh đất màu mỡ để những nội dung xấu độc, giả mạo, lừa đảo có thể sinh sôi. Tất cả những bất cập này đều được đem ra chất vấn tại các phiên điều trần CEO công nghệ, nhưng câu trả lời giới chức nhận lại cũng không có gì mới mẻ.
"Sứ mệnh từ đầu của chúng tôi vẫn là phục vụ cộng đồng, tạo ra các giá trị cộng đồng và kết nối thế giới, đưa con người đến gần nhau hơn", ông Mark Zuckerberg, CEO của Meta, cho biết.
Tuy nhiên theo số liệu của Earthweb, chỉ trong năm 2022, các doanh nghiệp trên toàn cầu cho biết họ đã thất thoát tới 1,5 tỷ USD do bị lừa bởi những người tự xưng là nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Hơn 50% các vụ lừa đảo đầu tư tiền vào chỗ này, chỗ kia là qua hình thức nhắn tin trực tiếp trên Facebook, Instagram hay Telegram. Chiêu trò cực kỳ phổ biến là gửi một đường link độc cho nạn nhân bấm vào và để lộ mật khẩu. Đó là chưa nói đến các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, cũng bị các thông tin xấu độc trên mạng xã hội làm ảnh hưởng uy tín.
"Những tập đoàn công nghệ này cho rằng chỉ cần ý tưởng của họ tốt cho cộng đồng, sản phẩm họ tạo ra sẽ tốt. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy", bà Marietjie Schaake, giảng viên đại học Stanford, Mỹ, nhận định.
Đây chính là điểm mấu chốt để liên minh châu Âu can thiệp. Đó chính là mở ra một không gian mạng an toàn hơn cho người dùng, trong đó nếu các nền tảng không hợp tác thì có thể sẽ phải rời khỏi thị trường EU, nơi các tập đoàn này đang kiếm được đến hàng tỷ USD mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!