Duy trì mặt bằng lãi suất thấp, ngân hàng nỗ lực đẩy vốn ra thị trường

VTV Digital-Thứ tư, ngày 24/07/2024 11:08 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, tín dụng đến cuối tháng 6 đã tăng 6% so với cuối năm ngoái.

Tại Công điện số 71 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra; tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo, sáng nay, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ nửa cuối năm. Theo báo cáo, tín dụng đến cuối tháng 6 đã tăng 6% so với cuối năm ngoái, đã đạt được mục tiêu tín dụng tăng từ 5-6% được Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành ngân hàng.

Xét về tỷ lệ, 1 số lĩnh vực ưu tiên đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mặt bằng chung như công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, Tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trên 18%. Lĩnh vực chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất là nông nghiệp nông thôn cũng tăng được 2,57%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau giai đoạn tăng trưởng âm vào đầu năm, tín dụng bắt đầu tăng tốc nhanh hơn vào tháng 5 và tháng 6. Chính sự phục hồi của nền kinh tế cũng kéo theo nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp quay trở lại. 1 số gói tín dụng ưu đãi được ngành ngân hàng triển khai cũng có kết quả tích cực, như gói 30.000 tỷ đồng cho vay lâm, thủy sản đã giải ngân hết, với doanh số lũy kế tới 31.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẵn sàng tăng quy mô gói này.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Nếu gói 30.000 tỷ được giải ngân hết thì tiếp tục có 15.000 tỷ hoặc một số lượng vốn cần thiết để đáp ứng cho những nhu cầu này. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp rất tích cực giúp cho lĩnh vực này, vừa tạo điều kiện cho việc sản xuất chế biến của bà con nông dân cũng như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cho vấn đề xuất khẩu mà những lĩnh vực thế mạnh của kinh tế Việt Nam chúng ta".

Ngân hàng nỗ lực đẩy vốn ra thị trường

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp, ngân hàng nỗ lực đẩy vốn ra thị trường - Ảnh 1.

Ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay thúc đẩy nguồn vốn ra thị trường.

Nếu nhìn rộng hơn, trong nửa đầu năm đã có hơn 800.000 tỷ đồng vốn tín dụng được cung ứng ra nền kinh tế. Nhiều chính sách đã được ban hành như việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, hay việc Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm để họ có thể chủ động kế hoạch tăng tín dụng. Đặc biệt, là yêu cầu công khai lãi suất cho vay, hay chính sách cho phép vay của ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác, đã khiến các ngân hàng thương mại phải nỗ lực cạnh tranh hơn để thu hút người vay, nhất là trong nửa cuối năm tới đây, giai đoạn được xem là cao điểm cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Với doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng nệm, lượng tiêu thụ thường tập trung vào quý 4, đóng góp khoảng 45% lượng tiêu thụ của cả năm. Nên ngay đầu quý 3, doanh nghiệp đã vay thêm vốn lưu động, nhập nguyên liệu, sẵn sàng cho mùa cuối năm.

"Công ty chúng tôi được ngân hàng hỗ trợ gói giảm lãi suất. Giúp chúng tôi có chi phí tài chính hợp lý cũng như là sử dụng được dòng vốn của mình mạnh hơn để đầu tư cho nguồn hàng cũng như chuẩn bị cho phát triển vào cuối năm", bà Lý Thúy Hoa - Giám đốc điều hành - Công ty Nệm Trường Hưng cho hay.

Tùy quy mô, sức khỏe tài chính, mà lãi vay của các doanh nghiệp có sự khác biệt. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, trước đó đã được vay với lãi suất ngắn hạn bằng tiền đồng còn thấp hơn cả lãi vay bằng USD, mức chênh lệch gần như chưa từng có trước đây.

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành công cho biết: "Chúng tôi làm việc với các ngân hàng trong nước và nước ngoài với lãi suất tôi cho là khá tốt. Lãi suất chỉ từ 2,5 - 3%/năm, phần lớn chúng tôi vay trong ngắn hạn để hỗ trợ vốn cho hoạt động kinh doanh. Với lãi suất đó tôi cho khá là tốt, giúp cho các doanh nghiệp có thể giảm được chi phí tài chính".

Theo thống kê của 1 số công ty chứng khoán, lãi vay bình quân trên thị trường đã giảm khoảng 1% so với cuối năm ngoái. Việc duy trì mặt bằng lãi vay như hiện nay, sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tính toán chi phí và lên kế hoạch kinh doanh cho mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm. Do đó, các ngân hàng cũng đang cân đối thanh khoản, tính toán giá vốn để đẩy tín dụng cuối năm.

Ông Trịnh Bằng Vũ - Giám đốc Khối Kinh doanh Bán lẻ - Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết: "Chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm các nguồn chi phí thấp để hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Vì chi phí thấp thì mới hỗ trợ được lãi suất cho vay. Bên cạnh đó thì ngân hàng chúng tôi nỗ lực để quản lý tốt các tài sản có, duy trì vừa đủ thanh khoản để hỗ trợ hoạt động cho vay, giảm chi phí vận hành, giảm chi phí quản lý tín dụng".

"Được thúc đẩy bởi các chương trình cho vay với lãi suất thấp, cũng như các chính sách liên quan đến thế chấp, tín chấp, cũng như các quy trình để chúng tôi có thể thúc đẩy được tín dụng. Chúng tôi không muốn giảm cái nhịp của tín dụng đó. Do đó chúng tôi buộc phải có chính sách lãi suất rẻ", ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho hay.

Việc công khai lãi suất, theo lãnh đạo ngân hàng, cũng giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn, trong bối cảnh các ngân hàng phải cạnh tranh để đẩy tín dụng... Dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định, đi ngang trong quý 3 này, để hỗ trợ cho việc bơm vốn ra nền kinh tế.

Đề xuất giảm thêm lãi suất cho vay nhà ở xã hội

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp, ngân hàng nỗ lực đẩy vốn ra thị trường - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính Phủ đề xuất giảm thêm lãi suất cho vay, đồng thời, tăng quy mô gói tín dụng cho nhà ở xã hội. Ảnh Báo Đầu tư

Bên cạnh những lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng tốt thì còn nhiều lĩnh vực vẫn gặp khó trong giải ngân, Ví dụ như gói 120.000 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, mới có khoảng 1.344 tỷ đồng được giải ngân trong tổng gói 120.000 tỷ đồng. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra từ việc nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, mới có 34 trong 63 tỉnh, thành phố, công bố danh mục, với 78 dự án. 1 số dự án chưa có nhu cầu vay vốn, hay vẫn còn ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, làm móng nên chưa đủ điều kiện vay vốn. Để giải ngân được gói này thì cần giải pháp đồng bộ từ nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, từ góc độ ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang trình lên Chính Phủ phương án mới, đề xuất giảm thêm lãi suất cho vay, đồng thời, tăng quy mô gói tín dụng cho nhà ở xã hội này.

Là ngân hàng giải ngân gói cho vay nhà ở xã hội nhiều nhất trong hệ thống, ngân hàng cho biết đã cho vay 11 dự án và đang tiếp cận hơn chục dự án nữa. Họ đang cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để có thể giảm thêm lãi suất vay.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: "Theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước cũng họp các ngân hàng về tham gia để tiếp tục giảm lãi suất cho người mua nhà, trước đây là 2%, giờ thêm 1% nữa là giảm 3%. Với lãi suất cho vay bình quân của big 4 đã rất thấp, giảm thêm 3% nữa thì gần như chúng tôi không có lãi ở lĩnh vực cho vay đối với người mua nhà".

Giảm lãi suất, thời hạn ưu đãi cũng được kéo dài. Sau 5 năm đầu tiên giảm 3%/năm, người vay dự kiến sẽ được ưu đãi lãi suất vay thêm 5 năm tiếp theo, với mức lãi giảm từ 1-2% so với cho vay thông thường. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia thêm vào chính sách hỗ trợ này.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã sẵn sàng tham gia vào gói này như 4 ngân hàng thương mại nhà nước, với mức tham gia đăng ký thêm 20.000 tỷ nữa, quy mô có thể lên được tới 140.000 tỷ. Ngoài gói 140.000 tỷ này, chúng tôi vẫn muốn nói rằng hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện, khuyến khích các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình để tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn lực cho vay người mua nhà sau đến là các nhà đầu tư xây dựng các khu dự án của nhà ở xã hội để làm sao có điều kiện về mặt thời gian cơ cấu nguồn vốn cũng như lãi suất một cách tích cực nhất".

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất 3 tháng sẽ xác định lãi suất cho vay 1 lần, được rút ngắn một nửa thời gian so với hiện nay, để phù hợp hơn với tình hình thị trường.

Hiện lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội với người mua nhà là 7,5%/năm, và được điều chỉnh 6 tháng 1 lần. Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm được giao cho Ngân hàng Nhà nước tại Công điện 71, nhằm giúp công nhân, người lao động có điều kiện vay vốn mua nhà ở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước