Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn với nhiều biến động, việc tăng lương tối thiểu vùng không chỉ là câu chuyện quyền lợi của người lao động mà nó còn là quyền lợi của các doanh nghiệp. Vậy nên những năm trở lại đây, chuyện giằng co, thương lượng, những cuộc đàm phán giữa hai bên - giới lao động và chủ sử dụng lao động - luôn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Với tít bài “Dùng dằng lương tối thiểu vùng 2017”, tờ Người lao động cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng lương tối thiểu vùng khoảng 11,11% (tức từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng), trong khi phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đề xuất tăng 5%.
Cụ thể, báo Lao động cho biết, hôm qua (20/7), Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã kết thúc mà không đi đến một thỏa thuận nào, không có phương án tăng lương nào được lựa chọn do mức chênh lệch giữa hai bên quá lớn.
Tuy nhiên, theo một số tờ báo, năm nay, thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng đã có một số điểm khác biệt so với mọi năm. Theo tờ Lao động, đó là việc tại phiên họp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa thêm tiền thuê nhà của người lao động vào cơ cấu tính lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, sự khác biệt còn là việc đề xuất tăng của hai bên chênh lệch tới hơn gấp đôi lần - Tổng liên đoàn Lao động là 11,11%; VCCI chỉ có 5%. Trong khi năm 2015, Tổng Liên đoàn đề xuất tăng 16,8%; VCCI đề xuất tăng 10%.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!