Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết Đức sẽ thành lập một cơ quan phụ trách vấn đề khủng hoảng năng lượng.
Động thái này là sự kích hoạt biện pháp cảnh báo sớm ngăn ngừa khả năng Đức có thể thiếu nguồn cung năng lượng khi Nga ngừng cấp khí đốt. Đây là bước đi thuộc giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 giai đoạn của Đức.
Tuyên bố được Berlin đưa ra khi Moscow tiếp tục khẳng định chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng Ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới Liên minh châu Âu, sau khi Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ chối yêu cầu này.
Đường ống dẫn khí đốt tại Đức. (Ảnh: AP)
"Chúng tôi thực hiện kế hoạch khẩn cấp này ngày hôm nay vì đã có thông báo rằng, từ ngày 1/4 tới, nước Nga sẽ áp dụng hệ thống thanh toán mới, mà đối với chúng tôi là dấu hiệu vi phạm hợp đồng rõ ràng, bằng cách thanh toán bằng đồng Ruble. Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt và dầu, điều này xin nhấn mạnh một lần nữa là họ vẫn chưa thực hiện, sẽ gây ra những hậu quả to lớn", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định.
Giới chức Đức cũng cho biết mục đích của việc kích hoạt biện pháp cảnh báo sớm là để kêu gọi người tiêu dùng cũng như các ngành công nghiệp của nước này chuẩn bị cho mọi tình huống.
Việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục đã khiến lạm phát Đức trong tháng 3 tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm. Dự báo lạm phát trong 2022 của nước này là 6,1%.
Trong diễn biến liên quan, Hội đồng cố vấn kinh tế độc lập của chính phủ Đức ngày 30/3 đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm nay từ 4,6% xuống 1,8%, do lo ngại những nguy cơ từ căng thẳng địa chính trị và giá năng lượng leo thang.
"Không loại trừ việc nguồn cung năng lượng của Nga có thể bị tạm dừng vận chuyển tới Đức. Hệ quả là chuỗi cung ứng có thể bị tác động trong những tuần tới. Chúng tôi đề xuất việc gia hạn thời hạn vận hành của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại trong 5 năm tới. Tôi biết rằng điều này đi kèm với những thách thức đáng kể, chẳng hạn như việc mua các thanh nhiên liệu cũng như các thủ tục phê duyệt, song đây chắc chắn là điều cần phải quyết định ngay lập tức", bà Veronika Grimm, Thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Chính phủ Đức, cho hay.
Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng đã tiến hành ngoại giao con thoi tới UAE và Qatar tìm kiếm những thỏa thuận năng lượng dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!