Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên đã thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách đen "12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả".
Việc đưa 5 dự án ra khỏi danh sách đen "12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả" là kết quả có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính.
Tuy nhiên vẫn còn 7 dự án chưa được đưa ra khỏi danh sách chậm tiến độ. Nguyên nhân được chỉ ra là do còn vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Bên cạnh đó, chi phí tài chính quá cao dẫn đến các dự án khó cạnh tranh trên thị trường.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh: VGP)
Một điểm sáng nổi bật là một đại dự án, không nằm trong 12 dự án của ngành Công Thương, sau hơn 11 năm nằm đắp chiếu, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã khởi động trở lại trong năm 2021. Đây được đánh giá là sự hồi sinh có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt kinh tế khi đóng góp hàng năm cho ngân sách tỉnh Thái Bình, mà còn là dự án quan trọng với hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.
"Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, xuống trực tiếp rà soát lại các tổ đầu tư cũng như công việc trong quá trình thực hiện để tránh các phát sinh không lường trước được. Đó là một yếu tố quyết định. Tập đoàn Dầu khí, ban quản lý dự án và nhà thầu đã có sự phối hợp chặt chẽ, lên kế hoạch, biểu đồ thực hiện dự án rất sát sao, có tinh thần phấn đấu quyết liệt đưa dự án này vào vận hành", ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!