Sáng ngày 15/2, câu chuyện làm "nóng" cả 3 mặt báo lớn là Tuổi trẻ, Diễn đàn doanh nghiệp và Đầu tư là về độc quyền Nhà nước.
Doanh nghiệp cùng chuyên gia kinh tế xôn xao và tỏ ra khó hiểu khi mới đây, có tới 20 danh mục ngành nghề được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước. Theo các báo, dự thảo này dường như đi ngược chiều trong đường một chiều.
Tinh thần thúc đẩy quyền tự do kinh doanh có bị cản trở, là câu hỏi được đặt ra trên tờ Tuổi trẻ. Vì trong lộ trình cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, nguyên tắc được xác định rõ là mở rộng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công.
Đến thủy lợi liên huyện cũng độc quyền, tờ Tuổi trẻ dẫn chứng. Lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân cấp thoát nước rất thành công, muốn đầu tư làm thủy lợi than thở, tại sao lĩnh vực liên quan sát với người nông dân mà không mở cửa để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ tốt hơn với chi phí rẻ hơn.
Bộ Công Thương ngay lập tức có thông báo phát đi chiều qua (14/2), nêu căn cứ đưa ra dự thảo là cụ thể hóa quy định của Luật thương mại năm 2005, không mở rộng, không tăng thêm lĩnh vực độc quyền.
Tờ Đầu tư bình luận, không hiểu sao thời điểm này Bộ Công Thương lại đưa ra dự thảo hướng dẫn, mà đáng lẽ ra phải làm từ 12 năm trước. Đây không thể là thời điểm thích hợp đưa ra nội dung này.
Cả tờ Tuổi trẻ và Đầu tư đều tham khảo ý kiến của hai chuyên gia là ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương và ông Trần Du Lịch - nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Hai ông đều cho rằng, dự thảo này đi ngược với tinh thần Hiến Pháp 2013 và Luật đầu tư 2015, đi ngược xu thế phát triển.
Theo nhận định của tờ Diễn đàn doanh nghiệp, khi mà chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước đang được nhìn nhận như một nhà đầu tư, tại sao ngành này Nhà nước phải độc quyền? Mở cửa cho tư nhân, có khả năng đáp ứng hay không? Nhà nước độc quyền nhập khẩu pháo hoa hay thuốc lá sẽ mang lại lợi ích gì hơn cho nền kinh tế so với tư nhân.
Ôm tất cả để làm tất cả là một tư duy cũ. Cho nên thay vì đi rà soát hết ngành nào sẽ độc quyền Nhà nước, sẽ hay hơn nếu dành thời gian xác định chính sách cạnh tranh mũi nhọn của quốc gia. Sẽ là phung phí khi chưa xác định mục tiêu mà vội đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!