Dự luật PPP: Làm đúng thì sao phải ngại kiểm toán?

Thùy An-Thứ năm, ngày 28/05/2020 10:47 GMT+7

(Ảnh minh họa)

VTV.vn - Theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), nếu các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) làm đúng mà ngại kiểm toán thì là điều bất thường.

Kiểm toán toàn bộ hay một phần?

Sáng nay (28/5), Quốc hội tiến hành thảo luận về một số của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tại đây nội dung kiểm toán thế nào với các dự án được đầu tư theo phương thức PPP đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội.

"Đầu tiên, để xác định nên kiểm toán toàn bộ hay chỉ 1 phần thì cần xác định rõ bản chất của dự án PPP là đầu tư công hay không phải đầu tư công? Tôi cho rằng dự án PPP là đầu tư công", đại biểu Bùi Văn Phương cho biết.

Dự luật PPP: Làm đúng thì sao phải ngại kiểm toán? - Ảnh 1.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương, bản chất của dự án thực hiện theo phướng PPP là đầu tư công. Mà đã là dự án đầu tư công thì cần phải tuân thủ hoạt động Kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định của Luật Kiểm toán

Ông Phương giải thích vì dự án thực hiện theo phương thức PPP do Nhà nước chủ trì mời gọi thêm các nhà đầu tư tham gia. Dự án được lập dựa trên chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước. Đây là dự án đầu tư công bởi vì dự án này do các cấp có thẩm quyền quyết định (Quốc hội, Thủ tướng, HĐND...)

"Nó chỉ khác là Nhà nước chưa đủ tiền làm ngay nên cần có sự hợp tác. Bản chất của hợp tác công tư là đầu tư công. Đã là đầu tư công thì phải tuân thủ hoạt động Kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định của Luật Kiểm toán", ông Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Phương, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng cần kiểm toán toàn diện dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự luật PPP: Làm đúng thì sao phải ngại kiểm toán? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An)

"Bản chất các dự án theo phương thức PPP là hoạt động của đầu tư Nhà nước để thu hút nguồn lực của tư nhân. Nhà nước thực hiện qua hợp đồng BOT với các nhà đầu tư. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho các nhà đầu tư. Thay vào đó, Nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định. 

Do đó, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, phương án tài chính..., không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí…", ông Hiền cho biết.

Kiểm toán thế nào?

Theo ông Phương, với các dự án thực hiện theo phương thức hợp tác công tư PPP, có 3 vấn đề cần kiểm toán.

Thứ nhất, kiểm toán xem dự án có tuân thủ đúng quy định của pháp luật không; đúng hợp đồng, đúng quy chế dự án hay không?

"Tôi cho đây là yêu cầu số 1. Thực tiễn cho thấy, nếu chúng ta kiểm toán chuẩn mực thì thời gian qua sẽ không có tình trạng các dự án BOT giao thông làm đường tránh nhưng trạm thu phí lại đặt trên quốc lộ 1", đại biểu đoàn Ninh Bình nhấn mạnh.

Dự luật PPP: Làm đúng thì sao phải ngại kiểm toán? - Ảnh 3.

Theo ông Phương việc kiểm toán xem dự án có tuân thủ đúng quy định của pháp luật không; đúng hợp đồng, đúng quy chế dự án hay không là yêu cầu số 1 khi kiểm toán các dự án theo hình thức PPP (Ảnh minh họa)

Thứ hai là kiểm toán giá trị công trình để tính toán hiệu quả dự án. Ông Phương nhấn mạnh, phải kiểm toán ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án bởi nó liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước phải trả cho nhà đầu tư.

"Nếu không kiểm toán giá trị công trình ngay sau khi kết thúc, lấy căn cứ đâu để chúng ta trả nợ cho các nhà đầu tư bằng các tài sản công khác", ông Phương cho biết.

Thứ ba, là kiểm toán hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án.

Dự luật PPP: Làm đúng thì sao phải ngại kiểm toán? - Ảnh 4.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), nếu dự án thực hiện theo phương thức PPP nếu làm đúng thì không việc gì phải ngại kiểm toán

"Nhà nước khi kêu gọi hợp tác công tư PPP thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không bao giờ để nhà đầu tư phải thua thiệt. Khi đã làm đúng thì không có việc gì phải ngại kiểm toán, ngại thanh tra, ngại kiểm tra. Còn nếu ngại đối mặt với những việc đó là không bình thường.

Nếu kiểm toán một cách chặt chẽ công khai minh bạch, đảm báo đúng, việc chúng ta chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, tăng lên hoặc giảm đi thì người dân không bao giờ có ý kiến", ông Phương khẳng định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước