Tại Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 vào sáng nay, trong phần báo cáo của mình, khi đề cập về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án này đang vướng mắc trong việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nhà thầu chậm hoàn thiện công trình nên chưa đưa vào khai thác thương mại và tiếp tục thanh toán cho nhà thầu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông
Cũng theo ông Đông, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ đến kỳ trả hạn vốn vay vào ngày 21/7 tới đây. Về nội dung này, ông Đông cho biết, Hà Nội là đơn vị sẽ trả nợ nhưng kỳ này chưa bàn giao được trước 30/6. Do đó Thứ trưởng Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ xử lý vướng mắc.
Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn khá nhiều các nội dung liên quan từ vấn đề tiến độ thực hiện để đưa quyết toán vào công trình, đi vào hoạt động. Vấn đề nhận nợ sau đó chuyển giao cho nợ cho địa phương Hà Nội thế nào để quản lý khai thác, cũng như thanh toán trả nợ. Hiện nay còn vướng mắc là thanh toàn kỳ trả nợ tới đây.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà
"Nội dung này chúng tôi đề nghị có sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT để có báo với Thủ tướng về biện pháp thanh toán nợ. Làm sao đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán nợ của Chính phủ với nước ngoài, không thì mất uy tín lắm", ông Hà nhấn mạnh.
10 địa phương chưa "tiêu" được vốn vay nước ngoài
Đây là thông tin đáng chú ý khác tại Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020.
Theo đó, mặc dù đã được giao nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, nhưng theo Bộ Tài chính tính đến 24/6 vẫn có tới 10 địa phương chưa thực hiện giải ngân được nguồn vốn này.
10 địa phương này gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.
Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Trương Hùng Long, tính đến hết ngày 24/6, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn vốn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỉ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.
Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành trung ương là 2.815 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 15,46% so với dự toán được giao. Có 3 bộ giải ngân trên 20% so với kế hoạch được giao gồm Bộ Giao thông vận tải (29%), Bộ Quốc phòng (27,6%), Bộ Y tế (27,3%). Có 1 bộ chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là Bộ Công Thương (dự toán được giao là 138 tỉ đồng).
Giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỉ đồng (11,98%), trong đó có 14 địa phương đạt tỉ lệ giải ngân trên 20% so với kế hoạch vốn như Hà Nội, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An…
Riêng đối với TP HCM, tỉ lệ giải ngân hiện là 4,13%. Tuy nhiên, TP.HCM đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án: Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên; dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 và dự án vệ sinh môi trường TP HCM trị giá 4.600 tỉ đồng.
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho rằng, trường hợp UBND TP.HCM thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng lúc đó tỉ lệ giải ngân chung của TP sẽ nâng lên mức khoảng 40%.
Theo Bộ Tài chính tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương và các bộ ngành trong 6 tháng đầu năm đạt mức thấp
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, có nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm, trong đó tiêu biểu, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ (đặc biệt là WB) đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.
Ngoài ra, theo phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương và các ban quản lý dự án, hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách như: Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư (định mức, đơn giá) theo quy định tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14.8.2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình. Hay cơ chế quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Những sự thay đổi về cơ chế chính sách dẫn đến việc các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai.
Với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho rằng, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!