Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chờ đánh giá an toàn
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải sớm đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (một trong những dự án giao thông trọng điểm) ngay trong năm 2020. Các đơn vị cũng phải báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của dự án này để có hướng xử lý.
Hiện khu ga Depot rộng gần 20ha của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang thực hiện việc cách ly COVID-19 đối với 28 chuyên gia Trung Quốc vừa sang Việt Nam từ giữa tháng 6. Hơn 100 chuyên gia còn lại của Tổng thầu Trung Quốc cũng đang làm thủ tục trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho việc vận hành thử dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thực hiện từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc Công ty tư vấn ACT của Pháp - tư vấn đánh giá an toàn độc lập dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - vẫn chưa thể sang làm việc. Vì vậy, việc vận hành thử là điều kiện bắt buộc để đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu dự án trước khi đưa vào khai thác thương mại chưa thể triển khai vì còn chờ các chuyên gia Pháp.
Để giải quyết các vướng mắc nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, góp phần hạn chế ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn Thủ đô, TP Hà Nội và Bộ GTVT thống nhất thành lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cuối cùng nhằm sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.
Lực lượng chức năng lên đầu tàu chuẩn bị cho hành trình chạy thử tải kỹ thuật trên toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đánh giá về khả năng đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đang đốc thúc các bên liên quan thực hiện và còn phụ thuộc nhiều vào cả kế hoạch của thành phố Hà Nội - cơ quan tiếp nhận dự án.
Tại nhà ga Cát Linh, các hạng mục chỉ chờ đưa vào khai thác. Những đoàn tàu cùng hệ thống mạng lưới các thiết bị chạy tàu vẫn nằm yên chờ được đánh giá an toàn lần cuối.
Những mốc tiến độ của dự án
Theo quy định, trước khi được đưa vào vận hành chính thức, đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải được đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống do Liên danh ACT của Pháp - tổ chức chứng nhận độc lập, nghĩa là dự án có thể đưa vào vận hành hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá của tư vấn ATC Pháp. Như vậy, dự án này phải chờ tới khi các chuyên gia Pháp sang thực hiện phần việc đánh giá an toàn vận hành chạy thử. Đây là dự án được người dân Thủ đô kỳ vọng rất lớn, nhưng thất vọng cũng không ít.
Đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99%. Tuy nhiên, do vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật, nghiệm thu, bàn giao; đặc biệt thời điểm đánh giá cấp chứng nhận an toàn hệ thống để đưa dự án vào vận hành lại rơi vào dịp xảy ra dịch COVID-19 nên tiến độ bàn giao, vận hành tuyến tiếp tục chậm so với cam kết.
Đầu tàu chuyên dụng chạy thử tải kỹ thuật trên toàn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Được thực hiện từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga trên cao với tốc độ 35km/h, sức chứa khoảng 1.000 khách.
Tháng 9/2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống. Dự kiến, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu đưa vào khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng đến nay dự án vẫn chưa xác định được ngày vận hành chính xác.
Hiện dự án này được người dân và các chuyên gia giao thông đô thị rất quan tâm, nhất là trong bối cảnh đội vốn, chậm tiến độ quá lâu, trong khi tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng thêm trầm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!