Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với một rổ các đồng tiền quốc tế khác, đã tăng hơn 7% từ đầu năm 2024, đánh dấu mức tăng tốt nhất kể từ năm 2015. Tất cả các đồng tiền của các quốc gia phát triển đều suy yếu so với đồng bạc xanh, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác buộc phải đưa ra biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của họ.
Theo các chuyên gia, sức mạnh nền kinh tế Mỹ là yếu tố chính dẫn dắt đà tăng giá của đồng bạc xanh trong năm nay, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu hạ lãi suất từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Ngược lại, làn sóng hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng của các ngân hàng trung ương, cũng góp phần kéo đồng nội tệ của nhiều nước giảm giá so với USD.
Chỉ số USD đã đạt mức cao nhất trong hơn hai năm vào đầu tháng 12, khi FED cắt giảm lãi suất nhưng vẫn phát đi tín hiệu về sự chậm lại trong tốc độ nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, trong khi Phố Wall đặt cược rằng đồng USD còn dư địa để tăng thêm trong năm 2025, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được kỳ vọng cải thiện vào cuối năm có thể hỗ trợ các đồng tiền khác và gây áp lực lên đồng bạc xanh.
Năm 2024 chứng kiến đồng Yen Nhật Bản, đồng Krone Na Uy và đồng đô la New Zealand trở thành những đồng tiền có diễn biến tệ nhất trong Nhóm 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất (G10), khi mỗi đồng tiền mất hơn 10% giá trị so với đồng USD tính đến ngày 27/12. Đồng Euro cũng giảm khoảng 5,5% so với đồng bạc xanh, hiện giao dịch gần mức 1,04 USD đổi 1 Euro. Ngày càng có nhiều dự báo rằng giá trị đồng tiền chung châu Âu này có nguy cơ rơi về mức ngang giá với đồng USD vào năm tới.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index tăng nhẹ phiên 27/12, khép lại tuần tăng thứ tư liên tiếp, đi cùng đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn, khi các nhà đầu tư đánh giá chính sách tiền tệ của FED và những động thái từ chính quyền sắp tới của Tổng thống Trump.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!