Đối phó dịch COVID-19: Đề xuất giảm giá BOT "mở đường" cho nông sản Việt

PV-Thứ năm, ngày 27/02/2020 14:48 GMT+7

VTV.vn - Đây là một trong rất nhiều các đề xuất, giải pháp từ Bộ Công Thương nhằm gỡ khó cho nông sản Việt trước tác động từ dịch COVID-19.

Nông nghiệp đã và đang trở thành lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất từ dịch COVID-19 trong thời gian qua. Con đường để nhập vào Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của nông sản Việt trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi nước này siết chặt quản lý theo đường biên mậu. Hàng dài các xe tải chở nông sản xếp hàng ở các cửa khẩu là hình ảnh được nhiều trang báo phản ánh trong thời gian qua.

Để gỡ khó cho nông sản Việt, Bộ Công Thương đã trao đổi, làm việc với Hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và đề nghị khuyến khích các hội viên, doanh nghiệp cùng chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.

Đối phó dịch COVID-19: Đề xuất giảm giá BOT mở đường cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay.

Mới đây nhất, vào ngày 24/2, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay... nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics trong công cuộc san sẻ thiệt hại với người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh nông sản trong thời điểm hiện nay.

Trước đó theo Bộ Thương, ngay từ khi mới bắt đầu phát sinh dịch bệnh, Bộ Công Thương đã liên tục trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội ngành hàng liên quan để xác định cụ thể khối lượng, chủng loại các mặt hàng rau quả, trái cây và nông thủy sản khác đang bị ách tắc trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, dự báo quy mô sản lượng các mặt hàng sắp tới sẽ thu hoạch và có nhu cầu xuất khẩu để có các giải pháp chế biến, bảo quản, điều tiết xuất khẩu.

Ngoài ra, bằng rất nhiều hình thức, Bộ Công Thương cũng liên tục cảnh báo, khuyến nghị và hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía Bắc, nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết việc giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Đã thông nhưng vẫn còn... tắc

Ngày 25/2, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có Đoàn công tác do Cục trưởng Phan Văn Chinh dẫn đầu làm việc, kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh Lạng Sơn và làm việc với Sở Công Thương của tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đối phó dịch COVID-19: Đề xuất giảm giá BOT mở đường cho nông sản Việt - Ảnh 2.

Ngày 25/2, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có Đoàn công tác do Cục trưởng Phan Văn Chinh dẫn đầu đã có buổi làm việc tại tỉnh Lạng Sơn

Hiện các lô hàng nông sản và trái cây mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước dịch do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Như tại cửa khẩu Hữu Nghị, lượng xe vận chuyển hàng cả xuất và nhập qua cửa khẩu chỉ còn tương đương 40% so với trước thời điểm dịch bệnh.

Tại cửa khẩu Tân Thanh sau khi chính thức được mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa từ 20/2, tiến độ thông quan từ vẫn còn chậm do chưa khôi phục hình thức trao đổi cư dân biên giới và lực lượng bốc xếp bên phía Trung Quốc còn rất hạn chế. Ước tính vẫn còn hàng trăm xe chủ yếu là thanh long, dưa hấu đang chờ làm thủ tục xuất khẩu.

Đối phó dịch COVID-19: Đề xuất giảm giá BOT mở đường cho nông sản Việt - Ảnh 3.

Hiện các lô hàng nông sản và trái cây mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước dịch

Trong buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh hoanh nghênh Sở Công Thương đã phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng của Lạng Sơn và chính quyền địa phương tỉnh Quảng Tây để nhanh chóng tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới khôi phục trở lại và diễn ra ổn định bên cạnh việc đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch bệnh.

Ông Chinh cũng đề nghệ Sở Công Thương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa, tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, từ ngày 01/02/2020 đến hết ngày 26/02/2020, lượng xuất khẩu hàng hóa các loại qua 4 tỉnh biên giới phía Bắc là 7.813 xe với trị giá 174,92 triệu USD.

Trong đó Lạng Sơn là 5.614 xe, trị giá 154,24 triệu USD; Lào Cai là 2.028 xe, trị giá 16,07 triệu USD, Quảng Ninh là 117 xe, trị giá 3,73 triệu USD; Hà Giang là 54 xe, trị giá 0,89 triệu USD); lượng nhập khẩu hàng hóa các loại là 4.537 xe với trị giá 205,59 triệu USD (trong đó Lạng Sơn là 2.879 xe, trị giá 198,34 triệu USD; Lào Cai là 1.317 xe, trị giá 4,49 triệu USD; Quảng Ninh là 341 xe, trị giá 2,75 triệu USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước