So với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế, những sản phẩm tương tự mà Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ có trị giá 13 tỷ USD, trong đó tỷ trọng lớn nhất là hàng gỗ, nội thất với tỷ lệ 37%. Do đó, kỳ vọng ngành này được hưởng lợi nhờ đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam càng trở nên vững chắc. Trong số hàng chục triệu USD tổng giá trị hàng gỗ xuất khẩu mỗi năm tại Công ty TNHH Đồ gỗ Hiệp Long, có 20% là xuất vào thị trường Mỹ. Doanh nghiệp cho biết, lượng đơn hàng phía Mỹ đã và đang tăng dần.
Tương tự như đồ gỗ nội thất, nông - thủy sản, thiết bị điện tử, túi xách, nhựa, cao su là những ngành nghề được đánh giá có cơ hội hưởng lợi từ xung đột thương mại giữa hai cường quốc nói trên. Loại hàng mà doanh nghiệp hướng đến là những sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Tuy nhiên, sau xung đột thương mại, các sản phẩm này lại trở thành khoảng trống thị trường để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng.
Xung đột thương mại cũng kéo theo xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến Việt Nam để đầu tư, hợp tác. Điều này một mặt mở ra nhiều cơ hội làm ăn kinh doanh cho doanh nghiệp nội nhưng cũng có thể dẫn đến nhiều thách thức lớn.
Giới chuyên gia cho rằng, cơ hội vào thị trường Mỹ đã mở ra với doanh nghiệp Việt nhưng chỉ dành cho những doanh nghiệp biết cách triển khai không chỉ bài bản mà còn phải nhanh chóng, nếu không, việc hưởng lợi sẽ chỉ là nhất thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!