Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang tốt hơn mong đợi. GDP 9 tháng đầu năm nay tăng 6,98%, mức cao nhất trong 9 năm qua, cho thấy chất lượng tăng trưởng đang được cải thiện tích cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp 2,5%, thậm chí thấp nhất trong 3 năm qua.
Đây cũng là mức tăng trưởng ngoài dự đoán bởi từ đầu năm tới nay, suy thoái kinh tế đã lan rộng trên toàn cầu. Kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực. Nhiều tổ chức và các nhà nghiên cứu kinh tế quốc tế cũng đã thay đổi dự báo tăng trưởng đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh, nhu cầu thương mại thế giới đang giảm, trong 9 tháng năm nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính xuất siêu 5,9 tỷ USD. Trong đó, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 ước tính đạt trên 382 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 194 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 9 tháng qua, theo báo cáo, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt hơn 38%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt hơn 25% và dệt may đạt hơn 25%.
Có thể thấy, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng khoảng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2018, được cho là điểm sáng của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%).
Xuất khẩu đạt mức tăng 8% là mức tăng cao nhưng nếu so với cùng kỳ hai năm gần nhất, tỷ lệ này đã giảm mạnh khi 9 tháng năm 2018 xuất khẩu tăng 15,8%, trước đó 1 năm, tỷ lệ này đạt trên 20%. Điều đó cho thấy, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn ở phía trước khi đơn hàng của 3 tháng còn lại hiện đang giảm dần do nhu cầu thế giới suy giảm.
Trong quá trình tăng tốc của kinh tế 9 tháng qua, không thể phủ nhận những rào cản xuất phát từ cả chủ quan và khách quan. Vốn FDI đăng ký giảm cho thấy, chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại không như kỳ vọng. Điểm yếu trong chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công khi mới đạt 45% kế hoạch được Quốc hội giao. Nút thắt đầu tư công đang là một nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại. Vì thế, lúc này, lực kéo của nền kinh tế lại rơi vào khối doanh nghiệp tư nhân. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy các ngành mũi nhọn như công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng trên 11%, tạo ra điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế. Kinh tế tư nhân cũng là khu vực có tốc độ tăng vốn cao nhất trong 9 tháng qua.
Theo công bố tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, có trên 43% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước và lạc quan trong giai đoạn tới. Niềm tin và vị thế doanh nghiệp tư nhân được thay đổi, ngang hàng với các thành phần kinh tế khác. Khi có tinh thần tôn trọng và bình đẳng, kinh tế tư nhân là một sức bật đáng kể để phát triển nền kinh tế.
Trong khi căng thẳng Mỹ - Trung vẫn tiếp tục căng thẳng, nhiều nước trong khu vực suy giảm tăng trưởng thì các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu. ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019. Mức dự báo tăng trưởng mới mà Standard Chartered đưa ra với Việt Nam là 6,9% và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021.
Mặc dù vậy, những dự báo đã trở nên thận trọng hơn dù kinh tế 9 tháng cao nhất gần một thập kỷ. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, tuyệt đối không được chủ quan trong 3 tháng cuối năm để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!