Doanh nghiệp FDI đang “nuốt dần” ngành chăn nuôi

Quỳnh Như-Chủ nhật, ngày 19/05/2013 17:24 GMT+7

 Là nước nông nghiệp nhưng ngành chăn nuôi của nước ta đang bị các công ty nước ngoài chi phối. Hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI.

Hàng loạt các hộ chăn nuôi của nước ta hiện nay đang chuyển dần sang nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI. Việc tham gia sản xuất gia công trước mắt giúp người nông dân có thu nhập ổn định, tránh tác động của giá cả thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia e ngại, nếu tất cả người nông dân đều làm trang trại gia công cho doanh nghiệp FDI, một ngày không xa, từ một nước nông nghiệp Việt Nam sẽ đi làm thuê cho nước ngoài ngay trên chính mảnh đất mình.

‘ Ảnh minh họa

Cách đây 2 năm gia đình anh Long ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trại chăn nuôi heo để gia công cho một doanh nghiệp FDI trong vòng 5 năm. Anh Long chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở chuồng trại, công chăm sóc, còn doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật thú y…

Điều đáng ngạc nhiên, mặc dù bỏ số vốn khá lớn nhưng anh chỉ nhận được tiền công cố định gần 2.000 đồng trên 1kg heo xuất chuồng đạt chuẩn. “Tôi nghĩ, tham gia mô hình này thu nhập sẽ ổn định, không lo ngại rủi ro. Sau 5 năm nếu chuồng trại mình còn tốt, doanh nghiệp FDI có thể ký hợp đồng với mình, nhưng mà lúc đó chỉ ký hàng năm thôi, còn tiền hỗ trợ sẽ giảm xuống còn 50% nghĩa là chỉ còn 300 đồng …”, anh Long cho biết.

Không chỉ hộ gia đình anh Long, tại xã Hưng Lộc hiện có 20 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn với khoảng 20.000 con heo, nhưng có đến 13 hộ đang gia công cho các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là cho các doanh nghiệp FDI như: CP, Emivest, Japfa...

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, cho biết: “Hiện nay, việc chăn nuôi gia công của bà con trong xã phát triển rất nhanh. Chăn nuôi theo cách này, lợi trước mắt là giá ổn định, tuy nhiên cái khó là lợi nhuận suy cho cùng về tay các doanh nghiệp hết”.

Theo các chuyên gia, việc chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp FDI chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt là người nông dân ổn định thu nhập. Nhưng nếu xét về mặt lâu dài, người chăn nuôi đang phải làm công cho các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài ngay trên mảnh đất, trên chuồng trại, trên vốn và của cải của chính mình.

“Từ một đất nước nông nghiệp, đáng lẽ chúng ta phải đầu tư chuồng trại, kỹ thuật để phát triển ngành chăn nuôi, tuy nhiên hiện nay lại đang có nhiều người nông dân nước ta bị thua ngay chính mảnh đất của mình. Tức là người chăn nuôi sẽ chỉ là người làm công ăn lương cho các công ty nước ngoài. Và lúc đó là những người tiêu dùng cũng sẽ thua, vì công ty nước ngoài sẽ quyết định cái giá mà họ bán như thế nào”, ông Nguyễn Kim Đoán, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Với vẻn vẹn 2.000 đồng cho 1kg heo xuất chuồng, người chăn nuôi đã đánh đổi lại cả cái nghề, sự nghiệp gia đình mình từ người làm chủ để đi làm thuê. Để rồi sau 5 năm hết hợp đồng với các doanh nghiệp FDI thì tương lai của các trang trại đó không biết sẽ đi về đâu?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước