Cần cơ chế thúc đẩy sản xuất xanh

VTV Digital-Thứ ba, ngày 27/06/2023 11:54 GMT+7

VTV.vn - Để sản xuất xanh doanh nghiệp cũng cần nhiều nguồn vốn hơn, vì vậy rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ và hàng lang pháp lý phù hợp.

Sản xuất xanh đang là một xu thế tất yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường thì sản xuất xanh còn giúp nhiều doanh nghiệp có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu "khó tính" như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Mang lại nhiều lợi ích nhưng để sản xuất xanh không dễ, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng rất cần các cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy mô hình này, giúp hiện thực hóa việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào đến năm 2050.

Nhiều thế hệ trong gia đình chị Sầm Thị Tình (Quản lý kinh doanh Hợp tác xã thổ cẩm Hoa Tiến) đã gắn bó với nghề nhuộm truyền thống. Tuy thân thiện với môi trường, nhưng những sản phẩm này không bền màu như nhuộm công nghiệp, giá thành lại không hề rẻ, vì thế cũng kén khách.

Chị Sầm Thị Tình chia sẻ: "So với sản phẩm ở ngoài thị trường, những sản phẩm tự nhiên như của chúng tôi, giá thành phải cao hơn gấp đôi. Chúng tôi phải nhắm đến những khách hàng quan tâm về văn hoá, môi trường, tự nhiên. Những tập khách hàng như thế không quá nhiều".

Cần cơ chế thúc đẩy sản xuất xanh - Ảnh 1.

Là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, việc "xanh hóa" dệt may là xu thế tất yếu của Việt Nam. Ảnh minh họa.

1 kg sợi bông truyền thống có giá 2 USD. Tuy nhiên, sợi bông organic, thân thiện với môi trường lại có giá gấp 2,5 lần. Giá đầu vào cao, giá thành phẩm bán ra thị trường cũng không thể rẻ. Do vậy để sản xuất xanh, doanh nghiệp cũng cần nhiều nguồn vốn hơn, vì vậy rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ và hàng lang pháp lý phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: "Để xanh hóa cần phải có đầu tư. Nếu doanh nghiệp nào đầu tư, thành phố có chính sách hỗ trợ lãi suất, bù lãi suất trong thời gian 5 năm hay 7 năm để cho doanh nghiệp mạnh dạn, tái cơ cấu chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đổi mới công nghệ của mình".

"Họ đang chưa nhìn thấy một cơ chế nào có thể chia sẻ lại lợi ích từ việc họ tiết kiệm cho xã hội thì họ được cái gì. Họ có được giảm thuế không, có được hỗ trợ nguồn vốn để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh hay không?", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay.

Là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, việc "xanh hóa" dệt may là xu thế tất yếu của Việt Nam. Để phát triển bền vững, ngoài việc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị, tự chủ được nguồn cung nguyên liệu, cũng rất cần cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, tài chính… cho các doanh nghiệp theo hướng sản xuất xanh. Để từ đó họ có nguồn tài chính thuận lợi cho chuyển dịch xanh, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước