Điện sinh hoạt một giá: Đã minh bạch, công khai?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 15/08/2020 12:06 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng giá điện sinh hoạt dù chọn phương án nào cũng cần phải công khai, minh bạch, hợp lý trong cách tính.

Điện luôn là loại hàng hóa đặc biệt, thiết yếu, có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và đặc biệt là mọi gia đình. Vì vậy, trước, trong và sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá điện, dư luận lại "nóng" lên với nhiều ý kiến trái chiều. Lần này không phải là ngoại lệ.

Nhưng nếu trước đây, các phương án đưa ra tập trung vào phương án tính giá điện theo bậc lũy tiến, thì đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương bổ sung thêm phương án tính điện 1 giá để người dân lựa chọn.

Vậy cơ sở tính giá điện theo đề xuất mới như thế nào, có hợp lý không? Cách tính này tác động ra sao tới điện sinh hoạt của các gia đình và đã minh bạch, công khai hay chưa?

Điện sinh hoạt một giá: Đã minh bạch, công khai? - Ảnh 1.

Bộ Công Thương vừa chính thức có đề xuất mới về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Ảnh minh họa.

Trao đổi với phóng viên VTV, ông PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định, việc Bộ Công Thương đưa ra các phương án tính giá điện cho người tiêu dùng lựa chọn là thiện chí của Bộ Công Thương để người tiêu dùng lựa chọn phương án tối ưu nhất. Với phương án điện 1 giá và phương án bậc thang lũy tiến 5 bậc đều có ưu nhược điểm khác nhau.

"Phương án điện 1 giá chưa thực hiện được chính sách an sinh xã hội và chưa khuyến khích được việc người dân sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nó thể hiện sự minh bạch rất rõ ràng.

Với phương án bậc thang lũy tiến thể hiện chính sách an sinh xã hội, khuyến khích người dân sử dụng điện", ông Long bày tỏ quan điểm.

Điện sinh hoạt một giá: Đã minh bạch, công khai? - Ảnh 2.

Chuyên gia cho rằng phương án điện một giá bằng 145% - 155% của giá bán lẻ bình quân là cao. Ảnh minh họa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VTV về việc Chính phủ đã quy định mức giá bán lẻ bình quân cho tất cả các đối tượng trong xã hội, bao gồm sản xuất, hành chính sự nghiệp, phục vụ sinh hoạt và kinh doanh (hiện là 1.864,44 đồng/KWh), trong đó giá điện cho khối sản xuất và khối hành chính sự nghiệp thấp hơn so với giá điện bình quân còn 2 đối tượng còn lại là cao hơn. Căn cứ trên nguyên tắc đó, việc Bộ Công Thương đưa ra mức giá điện đồng giá cao hơn so với mức giá bán lẻ bình quân tới 145 - 155% liệu có phù hợp?

Ông Long cho rằng, để xác định giá bán lẻ đồng giá việc đầu tiên phải xác định được mức giá bán lẻ bình quân cho sinh hoạt điện là bao nhiêu. "Tuy nhiên, điều này chưa công khai minh bạch mà đưa ra mức giá trên 145% như vậy là quá cao và chưa thuyết phục", ông Long thẳng thắn nói.

Rất khó để có được một phương án giá điện nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong xã hội vì mỗi người đứng trên một quan điểm riêng, thuộc về một nhóm đối tượng riêng, với những lợi ích khác nhau. 

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là việc tính toán giá bán loại hàng hóa đặc biệt này dựa trên những tiêu chí nào và những tiêu chí đó phải được công khai, minh bạch, công bố rõ ràng. Bởi đây sẽ là căn cứ để xã hội giám sát được tính hợp lý, sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 15/8 với sự tham gia của PGS.TS Ngô Trí Long; ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công Thương; PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp Bộ môn kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - sẽ bàn luận và phân tích kỹ từng vấn đề trên.

'Điện 1 giá' được hiểu chính xác như thế nào? "Điện 1 giá" được hiểu chính xác như thế nào?

VTV.vn - Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước