Điểm sáng chương trình nhà ở xã hội

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 15/03/2024 21:30 GMT+7

VTV.vn - Năm nay, cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Điểm sáng chương trình nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030. Đến cuối năm 2023, tổng số căn hộ được hoàn thành khoảng 120.000 căn.

Trong quá trình đó, một số địa phương đã có cách làm tốt, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn và bước đầu cho thấy kết quả tích cực của chính sách này.

Rời quê Quảng Bình vào Huế học tập và lập nghiệp đã hơn 10 năm. Đến nay chị Phan Thị Hòa - TP. Huế, Thừa Thiên Huế mới chạm tay được vào giấc mơ an cư lạc nghiệp. Nhờ việc đặt cọc và giãn tiến độ đóng tiền tại một dự án nhà ở xã hội đã giúp giảm áp lực tài chính cho người thu nhập thấp.

Chị Hòa vui mừng chia sẻ: "Mình có thể đóng theo tiến độ và có các chính sách ưu đãi để mình có thể tận dụng những điều đó để có một căn nhà an cư lạc nghiệp".

Trong giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên Huế đã chấp thuận đầu tư cho 8 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng, với diện tích hơn 17 ha với gần 6.300 căn hộ.

"Đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để tạo môi trường hấp dẫn, để cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư nhà ở xã hội. Chúng tôi đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho nhà đầu tư cũng như triển khai các dự án đầu tư xây dựng" - ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở xã hội được triển khai với đa dạng mô hình như: chung cư, nhà ở liền kề. Mức giá cũng khá phong phú dao động từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ 650 triệu đồng với các hình thức thanh toán linh hoạt, cùng với sự hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bà Huỳnh Thị Thùy Trang - Phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, An Giang tâm sự: "Mỗi tháng, tôi trả 4,5 triệu. Với số tiền đó, nó phù hợp với thu nhập hiện tại của tôi để tôi an tâm ở và làm để trả".

Ông Đặng Khải Hoàng - Người phát ngôn Công ty NHO, tỉnh An Giang chia sẻ: "Trình các cơ quan chức năng thủ tục xét duyệt để làm sao trong thời gian sớm nhất, các hộ có nhu cầu khó khăn về nhà ở theo Nghị định 100 thì sớm vào an cư lạc nghiệp".

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ, các địa phương này cho biết tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế liên quan đến nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính đầu tư phát triển nhà ở.

Điểm sáng chương trình nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Nhiều địa phương đang có nguy cơ không đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội

Dù vậy, những điểm sáng như trên vẫn còn rất ít. Nhiều địa phương đang có nguy cơ không đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh mới đưa vào sử dụng một dự án nhà ở xã hội, trong kế hoạch phát triển 37 dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Khó giải ngân gói 120.000 tỷ đồng

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng là nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh chương trình phát triển nhà ở xã hội, hiện giải ngân chỉ đạt khoảng 0,5% trong một năm qua, với vỏn vẹn 7 dự án. Vướng mắc nằm ở cả ở thủ tục vay vốn, lẫn thủ tục triển khai dự án.

Gia đình chị Nguyễn Thị Linh – tỉnh Bắc Ninh nhiều lần đăng ký suất mua tại các dự án nhà ở xã hội và cũng từng đó lần bị từ chối. Chị cho biết: "Tôi xin xác nhận chưa có nhà ở, xã phường phải thành lập hội đồng mất rất nhiều thời gian khiến cho việc mua nhà của tôi bị trì trệ".

Hiện mức lãi suất cho vay thương mại từ 8-9%, nhưng lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng từ 7 - 8,2%. Sự chênh lệch là không lớn. Còn ở góc độ của chủ đầu tư - những đơn vị phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp mong muốn dùng chính dự án đang triển khai để thế chấp. Tuy nhiên do là nhà ở xã hội, các ngân hàng có phần e ngại khi cần phát mại tài sản. Doanh nghiệp nếu không có tài sản khác để đem ra thế chấp thì việc vay vốn cũng không dễ dàng.

Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng Cát Tường chia sẻ: "Thông thường, các nhà ở xã hội phải có 20% diện tích giữ lại cho thuê, sau 5 năm mới có quyền chuyển nhượng. Vậy thời gian trả nợ gốc phù hợp nhất là sau 5 năm, khi bắt đầu bán nhóm sản phẩm này thì trả vào gốc".

Việc địa phương chậm giao đất sạch cũng khiến các dự án khó đáp ứng được điều kiện vay vốn. Chưa kể có trường hợp vướng dịch COVID-19, thời gian triển khai dự án kéo dài hơn so với cấp phép ban đầu và cần được gia hạn đầu tư thì mới đủ tính pháp lý để vay vốn. Nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa được giải quyết.

"Điều kiện, thủ tục để được vay nhà ở xã hội lại không phải đơn giản, đặc biệt việc phát triển nhà ở xã hội cũng không ngoại lệ so với nhà ở thương mại, muốn tiếp cận vốn vẫn phải có các tài sản khác để thế chấp. Rõ ràng, đây là việc sẽ làm đắn đo các chủ đầu tư" - ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu ý kiến.

Đến thời điểm này, các địa phương mới công bố được 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Phần còn lại khoảng 60 dự án chưa được rà soát hay đã rà soát và không đủ điều kiện, cần sớm được làm rõ.

Đẩy mạnh xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội

Mới đây nhất, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án, với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Cần phải nhấn mạnh rằng, tiền hay nguồn lực là một phần quan trọng. Nhưng bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc khác cần tháo gỡ mà nổi bật là vấn đề pháp lý. Bởi đây là vấn đề chiếm tới 70% những vướng mắc hiện nay.

Ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera kiến nghị: "Điều chỉnh chủ trương đầu tư để đối tượng của các dự án này được mở rộng thêm cho 10 đối tượng khác của nhà ở xã hội. Chúng tôi đề xuất đưa vào các nghị định xây dựng sắp tới của Luật Nhà ở để các địa phương có thể yên tâm triển khai điều chỉnh".

"Xây dựng hoàn thiện các Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn, trình được Chính phủ ban hành ngay trong tháng 5 để làm sao có hiệu lực từ ngày 1/7. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có cơ sở để đề xuất với Quốc hội cho Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn" - ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu ý kiến.

Năm nay, cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nếu được hoàn thành, từ nay đến năm 2030, sẽ cần thêm ít nhất 750.000 căn nhà ở xã hội thì mới đạt mục tiêu đề ra. Muốn vậy, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc về tài chính, cơ chế pháp lý. Chính phủ cũng đã yêu cầu các địa phương đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, qua đó đảm bảo triển khai sát với thực tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước