Mới đây, một ông lớn trong lĩnh vực giao nhận DHL e-Commerce đã chính thức cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh ngay trong ngày tại nội thành. Việc vận hành cũng dựa vào đối tác là các tài xế tự do. Đối tượng hướng đến là những khách hàng kinh doanh trực tuyến nhỏ.
Trước đó, Viettel Post cũng đã ra mắt dịch vụ chuyển phát theo hộp, nhắm vào khách hàng thương mại điện tử có nhu cầu tính giá vận chuyển theo kiện. Tính đến nay đã có hơn 50 công ty giao nhận đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Hiện các công ty liên tục mở ra các dịch vụ mới, để tối ưu hoá nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Tiềm năng của thị trường tại Việt Nam không phải nghi ngờ khi Hà Nội và TP.HCM đã trở thành hai thành phố đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà hãng vận chuyển DHL cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh trong ngày.
Ông Charlies Brewerm - Giám đốc Điều hành DHL e-Commerce Toàn cầu nói: "Lý do chúng tôi chọn Việt Nam để triển khai dịch vụ giao nhận hàng trong ngày đầu tiên tại khu vực là bởi sự phát triển quá ấn tượng của thương mại điện tử tại đây. Từ 6 nhân viên đầu tiên khi mới bắt đầu triển khai dịch vụ e-Commerce vào năm 2017, nay con số đã tăng lên gấp 100 lần mới có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại. Thêm vào đó, mức độ phát triển công nghệ ở hai thành phố này cũng phù hợp để chúng tôi triển khai dịch vụ mới tại đây".
Thị trường giao nhận thương mại điện tử còn có bước chuyển biến với sự tham gia của hàng nghìn người giao hàng hành nghề tự do thông qua các công ty vận tải áp dụng nền tảng chia sẻ như Grab, Lalamove, Ahamove... Ngay cả một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao nhận cũng phải tính đến tối ưu hóa giải pháp giao hàng nội thành.
Ông Charlies Brewerm - Giám đốc Điều hành DHL e-Commerce Toàn cầu nói: "Hiện nay lượng hàng cần giao nhận trong ngày đã tăng rất nhanh trên toàn thế giới, chiếm khoảng 23% tổng lượng hàng cần giao nhận, do vậy việc sử dụng cơ sở vật chất cố định thì khó có thể đáp ứng nhu cầu".
Theo nghiên cứu của McKinsey, hiện tại mới có khoảng 1,5% dân số Việt Nam sử dụng thương mại điện tử nhưng con số này sẽ tăng lên mức 30% trong 7 năm tới, do vậy sẽ còn rất nhiều dư địa cho thị trường. Nếu như 5 năm trước, thị trường giao hàng tại Việt Nam vốn chỉ có 5 - 6 công ty đến nay con số này đã gấp 10 lần với hơn 50 đơn vị. Vì vậy, dịch vụ giao hàng nhanh hiện không chỉ là cuộc đua về số lượng, mà còn là cuộc đua về mở rộng các loại dịch vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!