Dịch vụ công quốc gia đóng góp vai trò quan trọng trong thúc đẩy thanh toán không tiền mặt khi chỉ trong hơn 1 năm, đã có trên 1.000 dịch vụ công trực tuyến tại do các Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.... triển khai, thể hiện quyết tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam.
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 91,54%. Theo đại diện cơ quan Điện lực, điều này là kết quả liên tục cập nhật qui trình kinh doanh theo thanh toán điện tử và quan trọng nhất là hoàn thiện hồ sơ dữ liệu khách hàng.
"Trước đây, mỗi một tỉnh là một cơ sở dữ liệu khách hàng nên chúng tôi phải đồng nhất lại thành cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung và chuẩn hoá các cơ sở dữ liệu khách hàng này theo hướng điện tử hoá", ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN nói.
Dịch vụ công quốc gia thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Ảnh minh họa - VGP
Cổng dịch vụ công quốc gia liên tiếp có những bước tiến mới cho phép người dân, doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng của ngân hàng thương mại nhiều hơn.
Ông Đặng Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nói: "Trong năm 2020, Chính phủ đã đưa dịch vụ công vào một số liệu có thể nói là không tưởng trong thời gian rất ngắn. Gần như 90% các tỉnh, thành phố cũng như 50% các Bộ, ban ngành đã tham gia. Kéo theo đấy là các thể chế đi theo đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho hệ thống ngân hàng nói riêng và cho nền kinh tế nói chung".
Cụ thể hoá chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa mới ban hành nghị định cho phép định danh điện tử eKyc. Đây là điều kiện quan trọng để các ngân hàng tiếp tục cung cấp các dịch vụ hiện đại cho khách hàng sử dụng.
Các ngân hàng thương mại hiện đã và đang liên tục đầu tư hạ tầng công nghệ và hệ sinh thái ngân hàng số, để thúc đẩy tối đa thanh toán số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!