Người dân Peru thực hiện giãn cách xã hội ngay cả khi đi trên thang cuốn tại một trung tâm thương mại ở thủ đô Lima. (Ảnh: Reuters)
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe thuộc Liên hợp quốc (ECLAC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/7 công bố báo cáo nêu rõ, cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 có nguy cơ khiến khu vực Mỹ Latin và Caribbe thụt lùi một thập kỷ giữa bối cảnh nhiều quốc gia phải đối mặt với tình hình kinh tế giảm sút và nghèo đói gia tăng.
Theo báo cáo, tỷ lệ nghèo đói tại khu vực này trong năm 2020 dự kiến sẽ tăng 7 điểm phần trăm, lên thêm khoảng 45 triệu người so với năm trước đó. Số người thất nghiệp dự kiến tăng lên 44 triệu người, cao hơn 18 triệu người so với năm 2019, trong khi kinh tế khu vực dự kiến giảm 9,1%.
Người nghèo Brazil trong cơn lốc COVID-19. Ảnh: Reuters.
Do tác động mạnh của dịch bệnh đến nền kinh tế, khoảng 2,7 triệu doanh nghiệp chính thức của khu vực Mỹ Latin và Caribbe dự kiến đóng cửa. Báo cáo nói trên cảnh báo đại dịch có nguy cơ lấy đi một thập kỷ phát triển của khu vực này nếu thu nhập bình quân đầu người giảm xuống các mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2010.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne nhấn mạnh: "Chỉ trong vài tháng, châu Mỹ có nguy cơ mất thành tựu y tế đã đạt được qua nhiều năm. Đây là một bi kịch". Bà Etienne cho rằng các nước không nên nối lại hoạt động kinh tế nếu chưa kiểm soát được dịch COVID-19. Giám đốc PAHO đề xuất các chính phủ cần đồng thời triển khai các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức đối với ngành y tế công và kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!