Địa vị pháp lý của hộ kinh doanh đang bị bỏ quên

Việt Hoàng (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ sáu, ngày 22/02/2019 11:07 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Nếu kinh tế quốc gia là một ngôi nhà, thì mỗi thành phần kinh tế sẽ đặc trưng cho một tuýp người trong căn nhà đó. Vậy thành phần hộ kinh doanh cá thể có thể ví là gì?

Với góc nhìn trên các báo sáng 22/2, hãy tạm gọi đó, là "những đứa trẻ không muốn lớn". Vấn đề là giờ chúng ta có tiếp tục chấp nhận điều đó hay không? Buổi hội thảo mới đây bàn về dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã nổ ra tranh luận về cách ứng xử đối với thành phần kinh tế này.

Như tờ Lao động trích ý kiến của Chủ tịch VCCI đánh giá, hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Nếu quản lý được 5 triệu hộ này có thể đóng góp khoảng 30% GDP. Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, kể cả con số 5 triệu hộ vẫn là một ẩn số bởi số liệu thống kê chưa thống nhất. Các đối tượng này cũng chưa được thống nhất trong cách gọi của các Luật.

Giống như dòng tít tờ Đầu tư nhấn mạnh: "Địa vị pháp lý của hộ kinh doanh đang bị bỏ quên". Tờ này nhắc tới kết quả nghiên cứu của TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica Việt Nam. Theo đó, khu vực hộ kinh doanh chỉ đóng góp 1,56% Ngân sách Nhà nước. Nhiều hộ có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng không kém doanh nghiệp nhưng hoạt động không công khai, minh bạch, né tránh các yêu cầu về an toàn lao động, an sinh xã hội.

Chính từ những bất cập đó nên buổi hội thảo đã đi đến 2 luồng tranh luận đó là nên khai tử hay không với thành phần kinh tế này.

Theo tờ Lao động đưa ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức thuộc phe ủng hộ khai tử. Ông này cho rằng thành phần kinh tế hộ kinh doanh đã hết vai trò lịch sử. Khai tử sẽ không có vướng mắc gì, tất nhiên, cần có lộ trình cụ thể để chuẩn bị về cả tâm lý lẫn các quy chuẩn pháp luật. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Hải Dương. Đại diện Hội này đề xuất cần nâng cấp tất cả những hộ kinh doanh hiện nay trở thành doanh nghiệp để chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Trong khi đó, phe còn lại, như đại diện Công ty Luật Pathlaw cho rằng không nhất thiết phải khai tử hộ kinh doanh cá thể mà chỉ cần bổ sung các quy định điều chỉnh thành phần kinh tế này trong Luật, cũng không thể cưỡng ép bắt buộc các hộ kinh doanh cá thể đều trở thành doanh nghiệp.

Tờ Đầu tư trích ý kiến Phó Viện trưởng CIEM cũng cho biết câu hỏi làm sao thúc đẩy các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp đã được CIEM đặt ra từ nhiều năm nay nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để họ tự lựa chọn.

Rõ ràng là dù với quan điểm nào, khai tử hay giữ lại, "đứa trẻ" - hộ kinh doanh cá thể - cũng không thể mãi "không muốn lớn" được. Bình đẳng cả về quyền lợi lẫn nghĩa vụ trước pháp luật là điều cần thiết. Để kết lại câu chuyện này, một ví von khá thú vị cũng trong buổi hội thảo đến từ đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương.

Đó là: "Chỉ cần thành lập doanh nghiệp, hôm sau sẽ có các đoàn đến kiểm tra phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội, còn hộ kinh doanh cứ đăng ký là làm, ít bị quan tâm. Giống như một người đi xe máy và một người đi ô tô. Người đi ô tô thì bị để ý, dù chiếc xe máy giá trị cũng ngang ngửa bằng ô tô".

Mở cửa cho 5 triệu hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp Mở cửa cho 5 triệu hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp Thất thu thuế từ hộ sản xuất kinh doanh rượu Thất thu thuế từ hộ sản xuất kinh doanh rượu Đề xuất thu thuế cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ: Liệu có khả thi? Đề xuất thu thuế cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ: Liệu có khả thi?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước