Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng phát triển các loại hình, mô hình kỹ thuật mới vào các công trình xây dựng, giao thông. Mới đây, doanh nghiệp vừa có đề xuất ứng dụng xây dựng cầu cạn cao tốc và đường sắt đô thị tại một số dự án như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo nghiên cứu của doanh nghiệp, dựa trên khảo sát công nghệ, kinh nghiệm xây dựng cầu cạn cao tốc tại các nước: Đức, Trung Quốc, Indonesia, đường cao tốc cầu cạn và đường tàu điện vàng trên cọc dự ứng lực do công ty đề xuất, sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian thi công.
"Trước mắt nó thay thế được hệ thống cao tốc đang phải dùng đất cát để làm nền đường, trong khi đang không có đất cát để làm. Giá thành chỉ bằng 40% mà giá thành đang chi trả các đơn vị thi công. Chúng tôi thi công trong 3 ngày có thể được 10km đường tàu. Tất cả các cấu kiện đều được đúc sẵn trong nhà máy, ra chỉ lắp đặt trên đường", ông Nguyễn Hữu Đường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình cho hay.
Tiến sĩ Trần Bá Việt - Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: "Giải pháp dầm bản rỗng trên cọc ly tâm có thể dùng cho cầu cạn đường cao tốc hoặc đường sắt đô thị. Công nghệ xây dựng hạ bộ Việt Nam hoàn toàn làm chủ, phương án truyền thống hiện nay là 28-33 triệu đồng/m2. Cái này chỉ 12-13 triệu/m2".
Trước đó, trong văn bản gửi tới doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đã đánh giá cao việc doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, đề xuất sử dụng giải pháp cầu cạn cho các dự án xây dựng công trình giao thông. Bộ cũng đã giao Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp để làm rõ các nội dung liên quan đến giải pháp đề xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!