Cụ thể, trong dự thảo này, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án thu phí: Phương án 1, Bộ đề nghị thu phí thông qua trạm thu phí theo quy định pháp luật về giá. Phương án 2, thu phí qua trạm thu phí theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
Tờ Thời báo Tài chính phân tích, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1, tức việc thu phí dịch vụ theo cơ chế giá. Theo đó, việc thu phí sẽ được tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án và thời gian thu hoàn vốn dự án. Hết thời gian hoàn vốn sẽ dừng thu như các dự án xây dựng đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Bộ Tài chính nhận định, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể sẽ gặp phản ứng của chủ phương tiện và dư luận xã hội. Lý do là thu phí sẽ làm tăng chi phí cho hoạt động kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của người dân. Tuy nhiên, Bộ này cũng đã nhấn mạnh tới lợi ích kinh tế người dân khi sử dụng đường cao tốc.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Theo tờ Lao động nhận xét, nếu lựa chọn trả mức phí 1.000 - 1.500 đồng/km/xe để lưu thông trên tuyến cao tốc với thời gian đi lại thấp hơn, chất lượng đường tốt hơn, người sử dụng đường vẫn được lợi so với lưu thông trên các tuyến quốc lộ song hành. Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên. Phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn.
Còn về phía Bộ Giao thông vận tải, hiện Bộ đang giao các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng Đề án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Trong đó, ưu tiên thu phí một số tuyến cao tốc như: TP.HCM - Trung Lương, La Sơn - Túy Loan và 6 dự án thành phần đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tờ Tiền phong dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông giải thích, do ngân sách có hạn nên tiền thuế của người dân, sử dụng đầu tư các tuyến quốc lộ cơ bản, còn đường cao chất lượng cao phải khác và Nhà nước cần thu hồi vốn để tái đầu tư.
Với các đoạn cao tốc đầu tư bằng ngân sách, Bộ sẽ xây dựng phương án thu phí để hoàn vốn cho nhà nước. Điều này cũng đảm bảo khả thi vì người dân có sự lựa chọn giữa đi cao tốc trả phí và đi đường bộ thông thường không trả phí.
Liệu phí có chồng phí?
Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể sẽ gặp phản ứng của chủ phương tiện và dư luận xã hội. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo ghi nhận, hầu hết người sử dụng đường cao tốc không đồng tình và cho rằng các lý do mà Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải nêu ra chưa thuyết phục, đặc biệt là nguy cơ tăng giá cước vận tải.
Tờ Tiền phong trích dẫn phát của biểu Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho rằng, thu phí với mức cao trên các tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách là phí chồng phí. Ngân sách cũng là tiền thuế của nhân dân đóng góp để đầu tư làm hạ tầng giao thông và tất cả ô tô hiện nay đều đang phải đóng phí sử dụng đường bộ nay đóng thêm sẽ là phí chồng phí.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nhắc lại câu chuyện Bộ Giao thông vận tải đã khẳng định sẽ không thu các tuyến cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách. Dẫn chứng là cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên không thu phí.
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách sẽ không thu phí theo từng dự án (kể cả cao tốc), mà thu chung qua đầu phương tiện ô tô khi đăng kiểm. Vì vậy, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đã đưa vào đề xuất thu phí với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!