Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Chính phủ đề xuất bổ sung 38.251 tỷ đồng vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong giai đoạn 2024 - 2026. Đây được xem là nguồn lực quan trọng giúp VEC hoàn thành các dự án đường cao tốc trọng điểm, bao gồm tuyến Bến Lức - Long Thành, mở rộng tuyến TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến Lào Cai - Yên Bái.
Theo tờ trình, khoản vốn bổ sung này sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Cụ thể, 1.562 tỷ đồng sẽ được trích từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, trong khi 36.689 tỷ đồng còn lại sẽ từ ngân sách nhà nước đã được giải ngân cho 5 dự án đường bộ cao tốc mà VEC làm chủ đầu tư. Cơ cấu nguồn vốn này bao gồm 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, 24.127 tỷ đồng vốn ODA cho các dự án chuyển đổi từ vay thành cấp phát và 2.500 tỷ đồng vốn cấp phát cho các dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, vốn điều lệ của VEC sẽ nâng lên 39.366 tỷ đồng. Việc bổ sung vốn điều lệ không chỉ giúp VEC tăng cường năng lực tài chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các dự án lớn.
Hiện tại, VEC là chủ đầu tư của 5 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài lên đến 550 km và tổng mức đầu tư khoảng 108.865 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 44,4% và 55,6% còn lại do VEC huy động. Đến nay, VEC đã hoàn thành 4/5 dự án, tương ứng với 490 km, chiếm khoảng 27% tổng chiều dài đường bộ cao tốc tại Việt Nam.
Theo chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, VEC cần cân đối từ nguồn vốn chủ sở hữu để thực hiện các dự án như Bến Lức - Long Thành (7.547,57 tỷ đồng), mở rộng TP Hồ Chí Minh - Long Thành (khoảng 15.000 tỷ đồng), và mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai (khoảng 7.000 tỷ đồng). Trong khi đó, tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2021 - 2025 là 14.890 tỷ đồng và 17.053 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 - 2030.
Với vốn điều lệ hiện tại chỉ là 1.115 tỷ đồng, VEC gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án lớn. Sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng dự án mà còn khiến VEC khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn có chi phí thấp như vay thương mại và phát hành trái phiếu.
Việc bổ sung vốn điều lệ là điều cần thiết để VEC có thể thực hiện các cam kết với khách hàng và đối tác tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, đồng thời đảm bảo hiệu quả khai thác, vận hành các dự án đường bộ cao tốc. Điều này cũng giúp VEC phát huy vai trò nòng cốt trong lĩnh vực đầu tư và quản lý đường cao tốc tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!