Với thông điệp rõ ràng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02. Nghị quyết được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đến năm 2025 và một số nhiệm vụ trọng tâm ngay trong năm nay.
Sky Mavis - một startup được định giá tỷ USD trong thời gian chưa đầy 3 năm do người Việt Nam xây dựng, điều hành nhưng có trụ sở ở Singapore, Việt Nam chỉ có chi nhánh để phân phối. Không chỉ Sky Mavis, nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã chọn nước khác để bắt đầu kinh doanh.
"Điểm cốt yếu là khi chúng ta cần có sự chuyển dịch về vốn, mở rộng kinh doanh sang nước ngoài, nếu là công ty ở Việt Nam thì quy trình xin giấy phép đầu tư chuyển vốn ra nước ngoài mất nhiều thời gian hơn Singapore", ông Nguyễn Thành Trung, Sáng lập Sky Mavis, chia sẻ.
Trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh giữa các quốc gia, môi trường kinh doanh thông thoáng và cập nhật là điều quan trọng nhất. Với những ví dụ như Sky Mavis hay Tiki, những doanh nghiệp với mô hình hoạt động, kinh doanh mới đã chọn Singapore để thành lập hay niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị tụt lại khi tính thị trường không cao, không gợi mở cho những cách thức kinh doanh mới.
Đề nhanh chóng phục hồi, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng tại thời điểm này, việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết và quan trọng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Thị trường, thị trường và thị trường hơn. Đối với Chính phủ thì hiệu lực, hiệu lực và hiệu lực hơn, phải đi đến tháo bỏ những rào cản, vì những rào cản đó chứa đựng trong các quy định, cách thức và thái độ thực hiện", TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết 02 là thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là động lực quan trọng để đổi mới doanh nghiệp và là cơ hội phục hồi kinh tế của Việt Nam. Điều đó phụ thuộc vào những cánh cửa được mở ra kịp thời và đủ rộng với công nghệ và sáng tạo.
Cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và an toàn được xác định là giải pháp "phi tài chính" có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp để thích ứng và phục hồi sau đại dịch. Đây là giải pháp đem lại hiệu quả dài hạn, bền vững và được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ.
"Với điểm tựa là Nghị quyết 02, những nội dung có thể tạo ra sự bất công bằng, chồng chéo trong giai đoạn hậu COVID-19 sẽ được khắc phục. Chúng tôi tin rằng những nút thắt đó sẽ được giải quyết", ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho hay.
"Các nhà quản lý phải biết doanh nghiệp đang cần gì, thiếu gì thì các phản ánh, kể cả văn bản trong hội nghị thì các nhà quản lý phải ghi nhận điều đó, bàn thảo để trả lời chúng tôi. Trong câu trả lời ấy có thể đáp ứng được, nhưng có những cái có thể không làm được thì phải giải thích cặn kẽ, còn cái gì mà làm được phải làm ngay", ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nói.
"Việc giải quyết nhanh những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, đó là điều họ nhìn thấy ngay và điều đó mang lại niềm tin cho doanh nghiệp về sự đồng hành của nhà quản lý", bà Virnia Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, nhận định.
Đề nhanh chóng phục hồi, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng tại thời điểm này, việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này cũng được khẳng định trong Nghị quyết 02, thể hiện rõ nét cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp tục đặt nhiệm vụ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là ưu tiên hàng đầu.
Điểm khác biệt của Nghị quyết năm nay là gì? Cần làm gì để Nghị quyết đi vào cuộc sống và tạo trợ lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế?
Thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 3/3, với sự tham gia của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Mời quý vị theo dõi video trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!