ĐBQH: "Họ dùng đủ mánh khóe, để vun vén cho bản thân, gia đình và họ hàng"

Thùy An-Thứ bảy, ngày 13/06/2020 11:42 GMT+7

VTV.vn - Trục lợi chính sách là nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên Thảo luận về kinh tế xã hội vào sáng nay 13/6.

"Bò đi lạc vào nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo"

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang), do ảnh hưởng của COVID-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách trực tiếp cũng như gián tiếp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế như: Chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… 

Đến nay ước tính quy mô tổng số các biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh để đảm bảo an sinh xã hội khoảng 600.000 tỷ đồng.

ĐBQH: Họ dùng đủ mánh khóe, để vun vén cho bản thân, gia đình và họ hàng - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang)

"Do đó tôi đề nghị các chính sách cần phải được chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Phải tăng cương công tác thanh tra, kiểm tra giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng "Bò đi lạc vào nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo" như báo chí đã nêu trong thời gian qua, ông Hải cho biết.

"Họ dùng đủ mánh khóe, để vun vén cho bản thân bản thân, gia đình, và họ hàng"

Cũng đề cập đến tính trạng trục lợi chính sách, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho biết khi mà sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc mang lại niềm vui cho chúng ta, thì điều mà chúng ta lên án là tình trạng trục lợi chính sách của cán bộ chính quyền cơ sở, chỉ biết đến bản thân, gia đình và họ hàng. Việc này đã cướp đi cơ hội vượt qua khó khăn, dịch bệnh của nhiều người khó khăn, gia đình khác.

"Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, ngân sách đã dành một khoản không nhỏ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các hỗ trợ đó thực sự thiết thực, và mang tính nhân văn sâu sắc, ấy thế mà một bộ phận cán bộ cố tình làm trái, tìm cách hưởng lợi thay vì triển khai các hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH.

Họ đã nghi ra đủ cách, đủ mánh khóe để chiếm đoạt tiền hỗ trợ, cũng như thu vén cho gia đình và họ hàng", ông Cương nói.

ĐBQH: Họ dùng đủ mánh khóe, để vun vén cho bản thân, gia đình và họ hàng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận)

Cũng theo ông Cương, lâu nay cứ mỗi khi Chính phủ có một chương trình hỗ trợ cho người dân do bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền cơ sở lại coi đó là cơ hội để trục lợi.

"Có những địa phương không triển khai nghiêm túc, thì Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH cũng không thể làm thay dù có "ba đầu sáu tay", cũng không thể kiểm soát hết được", ông Cương cho biết.

Theo ông Cương, tới đây những cán bộ thoái hóa biến chất sẽ bị xem xét xử lý, nhưng vấn đề là làm sao để các chương trình hỗ trợ thực sự mang lại hiệu quả.

Kết thúc bài phát biểu của mình, đại biểu Cương đề nghị Chính phủ cần hết sức quan tâm đến hiệu quả, tính khả thi của chính sách.

"Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương 16.000 tỷ đồng lãi xuất 0% đến nay vẫn chưa có một khoản nào được giải ngân", ông Cương nhấn mạnh.

Sáng nay 13/6,Quốc hội đã nghe Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại tổ về các nội dung trên.

Tiếp theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 290/TTr-CP ngày 11/6/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, cụ thể hóa một số nội dung trong Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, đã được Tổng thư ký Quốc hội gửi các đại biểu qua hệ thống điện tử. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có báo cáo thẩm tra về các vấn đề có liên quan gửi Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu theo các vấn đề đã được nêu trong các Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra, nhất là các kiến nghị về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước