Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào chiều 2/6, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc xử lý hiện tượng "dê nhầm nhà, gà lạc chuồng" trong các hoạt động chi trả hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 tại nhiều địa phương. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng chính sách lại có nhà lầu, xe hơi.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ là gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ. Vì vậy lãnh đạo Bộ đã quán triệt tinh thần của Chính phủ, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng trục lợi chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cá biệt có vài địa phương lập danh sách sai lệch, vi phạm".
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua giám sát, kiểm tra đã sớm phát hiện và xử lý những vụ việc trên. Ví dụ như vụ việc ở huyện Triệu Thành, Thanh Hoá, Đại hội Đảng bộ xã đã tạm dừng và không tái cử Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc không được vào danh sách Ban chấp hành Đảng bộ.
Với tỉnh Hòa Bình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Sơn đình chỉ công tác với công chức lao động - thương binh và xã hội của xã Quý Hoà.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam đã phản ánh tình trạng "hô biến" hộ nghèo, cận nghèo ở một số địa phương.
Ở vùng đặc biệt khó khăn như xã Quý Hòa, nhiều hộ cận nghèo lại có những cơ ngơi hoành tráng hơn người như gia đình Bí thư chi bộ xã, Trưởng cựu chiến binh xóm, công an viên kèm phó phường xóm hay Bí thư chi bộ xóm. Mặc dù những người có trách nhiệm trong việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo ở xã đều khẳng định họ làm đúng quy trình nhưng nhiều người thân của họ đã hiện diện trong danh sách ấy.
Còn tại một số xã ở tỉnh Thanh Hóa, nếu nhà cán bộ muốn gửi con vào hộ nghèo, chỉ cần đánh tiếng với trưởng công an xã thì tên người cần gửi sẽ được viết thêm vào sổ hộ khẩu của hộ nghèo. Cái nghèo sẽ được hợp thức hóa. Câu chuyện người thân "đi lạc" vào hộ nghèo không chỉ xuất hiện ở 1 xã mà còn diễn ra ở nhiều địa phương. Đặc biệt, có xã còn có đến 3 cán bộ nòng cốt có người thân bị gửi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Qua kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát hiện và xử lý một số vụ việc sai phạm trong việc thực hiện chi trả chính sách từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, cá biệt có địa phương vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ; sai phạm trong việc đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo. Tuy nhiên, các sự việc đã được phát hiện, ngăn chặn; các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!