Theo các đại biểu, hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đường sắt đô thị trên cao nhiều năm vẫn lỡ hẹn với người dân.
Những điểm nghẽn về hạ tầng là một trong những lực cản phát triển đã được các đại biểu Quốc hội phân tích. Các đại biểu cũng đã kiến nghị những giải pháp khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ). (Ảnh: Quốc hội)
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ) cho rằng hơn 10 năm qua, phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, đặc biệt là đường cao tốc, còn chậm và quá khiêm tốn.
Đến nay, khu vực này mới có 41km cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đang làm thêm 52km Trung Lương - Mỹ Thuận, 23km Mỹ Thuận - Cần Thơ. Khi hoàn thành, cả vùng chỉ có 115km đường cao tốc, trong khi ĐBSCL chiếm 13% diện tích cả nước.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: VGP)
Trước ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đang tập trung nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc cho vùng ĐBSCL, qua đó lựa chọn đoạn, tuyến quan trọng để đầu tư trong 5 năm tới.
“Bộ đã tính toán trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội, hết nhiệm kỳ 2021 - 2025 có thể nâng tỷ lệ giao thông cao tốc ở khu vực ĐBSCL từ hơn 40km lên hơn 300km”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thể khẳng định đây là quyết tâm lớn của Chính phủ, nếu không xây dựng đường cao tốc, vấn đề thu hút đầu tư phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!