Theo đơn vị chuyên tổ chức các giải đấu e-sports và cung cấp dịch vụ tư vấn về e-sports tại Việt Nam, sự đầu tư về lĩnh vực thể thao điện tử tăng mạnh khoảng 2 năm gần đây trên nhiều phương diện như đầu tư vào tổ chức sự kiện các giải đấu, đội tuyển thi đấu hoặc truyền thông hình ảnh.
"Trước đây e-sports thể thao điện tử Việt Nam cũng đã rất phát triển tuy nhiên là những dự án được nước ngoài, các tổ chức, công ty đầu tư chi phí chỉ rơi tầm chục nghìn đến vài chục nghìn USD thôi. Tuy nhiên những năm gần đây, chi phí sẽ gấp đôi, gấp 3 cho những giải đấu", ông Bùi Huy Bình - Team leader Dự án e-sports Công ty cổ phần Appota cho hay.
Các thành viên một đội tuyển e-sport đang tập luyện thi đấu trên điện thoại di động cho môn thi Free Fire sắp tới tại giải thế giới và sau đó là chuẩn bị cơ hội để được tuyển chọn tham dự Sea Games 31.
Theo Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam, mỗi bộ môn thể thao điện tử sẽ có sự đầu tư khác nhau, từ 1 tỷ đến thậm chí vài chục tỷ đồng/năm/môn. Những môn phổ biến, nhiều người chơi, có nhiều vận động viên tên tuổi sẽ cần đầu tư nhiều hơn những môn mới phát hành.
Ông Đỗ Việt Hùng - Tổng thư ký Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam cho biết: "So với các môn thể thao truyền thống, suất đầu tư của thể thao điện tử cũng ở một con số khiêm tốn. Một đội tuyển ở quy mô tương đối so với thể thao truyền thống quy mô khoảng 25 - 30%".
Tại Đông Nam Á, thị trường e-sports Việt Nam được nhận định lớn thứ 2 chỉ sau Indonesia. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có vài chục nhà đầu tư. Thời gian tới, Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam cùng các hội viên, doanh nghiệp sẽ triển khai mở rộng thêm các cơ sở đào tạo đạt chuẩn, để thúc đẩy ngành này phát triển hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!