Trong bối cảnh kinh tế biến động, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán khó khăn về tài chính, buộc phải cắt giảm chi phí và sa thải lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã chọn giải pháp bền vững hơn đó là đào tạo lại lao động để thích nghi và tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghệ cao.
Nhà máy đóng gói chip của công ty Hana Micron Vina chuyên sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Máy móc được thay mới thường xuyên nên người lao động rất dễ bị đào thải khỏi dây chuyền. Vì vậy, công ty rất chú trọng đào tạo ngay tại nhà máy để người lao động nắm được cách vận hành máy móc, thông số của sản phẩm làm ra.
Hai tuần một lần, công ty dành ra một giờ đồng hồ đào tạo lại cho người lao động. Tùy từng vị trí, vài tháng một lần người lao động được cử đi đào tạo chuyên sâu từ 1 -7 ngày tại cơ sở đào tạo. Toàn bộ 1.700 lao động của nhà máy đều được đào tạo nâng cấp liên tục.
Ông Chung Won Soek - Tổng Giám đốc Công ty Hana Micron Vina, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang nhận định: “Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành chất bán dẫn, chúng tôi liên kết với trường cao đẳng công nghệ Việt Hàn và phái cử kỹ sư chuyên môn đến đào tạo tại trường 2 giờ/tuần. Thông qua các sự kiện và hỗ trợ khác nhau dành cho nhân viên, chúng tôi đang nỗ lực tạo ra một công ty có môi trường làm việc vui vẻ, thú vị hơn và tốt hơn”.
Ở nhà máy này, một dây chuyền trước đây có thể do 2 đến 3 công nhân đảm nhiệm, nay robot đã thay thế. Chi phí tiết kiệm sẽ được doanh nghiệp tập trung để đầu tư đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.
Anh Nguyễn Văn Bình - Kỹ sư, Công ty THK Manufacturing, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh tâm sự: “Chuyên gia của công ty sẽ hướng dẫn cách vận hành, sử dụng và đánh giá kết quả. Sau đó đào tạo cho các bạn công nhân để các bạn có thể vận hành, thực hành”.
Ông Eiji Kikuchi - Tổng Giám đốc Công ty THK Manufacturing, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh nhận định: “Thời gian qua, việc áp dụng tự động hóa đã giúp năng suất lao động của nhà máy, tăng lên khoảng 20%. Mục tiêu thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung để tuyển dụng và đào tạo lực lượng có tay nghề để tiếp quản và vận hành được nhiều thiết bị mới và hiện đại hơn”.
Công đoàn các cấp đã có nhiều hoạt động thương lượng, đàm phán với chủ sử dụng lao động để đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động, tránh bị sa thải.
Bà Trần Thị Thành Hà - Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định: “Được thực hiện trong các hoạt động đối thoại thường xuyên, trong công tác thương lượng, các bản thỏa ước lao động tập thể. Chúng tôi luôn luôn tham gia cùng người sử dụng lao động về việc xây dựng các phương án về điều kiện lao động, về việc đảm bảo việc làm cũng như các điều kiện tại doanh nghiệp”.
Ngày càng nhiều các công ty công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, đào tạo lại lao động là một phần quan trọng không thể thiếu trong các thỏa ước lao động tập thể ký với người sử dụng lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!