Giao dịch tại một cửa hàng vàng. (Ảnh: Dân trí)
Vào lúc 9h50, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 54,85 - 55,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối chốt phiên hôm qua (5/4).
Tại Tập Đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng miếng trong nước cũng được doanh nghiệp điều chỉnh tăng và niêm yết ở mức 54,82 - 55,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng 120.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua.
Cùng thời điểm, tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên hôm qua. Hiện giá vàng được niêm yết ở mức 54,86 - 55,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới
Trên thị trường thế giới, trong phiên 5/4, giá vàng giao kỳ hạn tăng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York khi đồng USD yếu hơn.
Vàng vẫn được cho là một kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn. (Ảnh: The Wall Street Journal)
Giá vàng giao tháng 6/2021 được giao dịch nhiều nhất tăng 0,4 USD (0,02%), lên chốt phiên ở mức 1.728,8 USD/ounce.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy lượng đơn đặt hàng của các nhà máy giảm 0,8% trong tháng 2, sau khi tăng 2,7% trong tháng 1. Yếu tố này đã hỗ trợ giá vàng.
Trong khi đó, giá vàng chịu sức ép khi toàn bộ các chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ lên điểm sau báo cáo việc làm mà Bộ Lao động công bố cuối tuần trước cho thấy 916.000 việc làm được tạo ra trong tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020.
Theo dự báo, vàng vẫn được cho là một kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn khi lạm phát trên thế giới quay trở lại vì dòng tiền giá rẻ. Dù vậy, trước mắt sức cầu đối với kim loại quý này vẫn khá thấp. Giới đầu tư đang dồn tiền vào nhiều loại tài sản có độ rủi ro cao như cổ phiếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!