Thời báo Kinh doanh dẫn lời một đơn vị kinh doanh bất động sản cho rằng việc này sẽ dẫn đến thuế chồng thuế và sự e ngại từ người mua nhà.
Hiện tại, người mua nhà đã phải đóng 10% thuế giá trị gia tăng khi làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, như vậy khi đóng thuế bất động sản thứ 2 sẽ xuất hiện tình trạng thuế chồng thuế. Khi đó, tâm lý e ngại này sẽ ảnh hưởng đến sức mua và xu hướng hồi phục của thị trường.
Tuy nhiên, ý kiến này cũng vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia bởi thuế này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và tạo nguồn thu tốt. Tuy vậy, mức thuế bao nhiêu là hợp lý vẫn còn đang là tranh cãi.
Trong câu chuyện này, Hiệp hội BĐS TP.HCM hiến kế rằng, nên áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản và không thu thuế tài sản với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống, nhà tái định cư, nhà ở thương mại có giá dưới 1 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có quan điểm đánh thuế tài sản không nên "ốp" theo số lượng căn nhà mà cần theo số diện tích sở hữu và giá trị tài sản tối thiểu bị đánh thuế. Bảo vệ cho quan điểm này, báo Giao thông dẫn lời PGS. TS. Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng ví như người A sở hữu một căn biệt thự 1.000m2 trong khu đô thị xa hoa sẽ không bị đánh thuế, trong khi người B sở hữu hai căn nhà 40m2 trong ngõ hẻm lại phải nộp thuế căn nhà thứ hai. Như vậy, việc đánh thuế căn nhà thứ hai có thể làm giảm sự bất công bằng giữa người chưa có nhà và người có nhiều nhà nhưng ngược lại có thể làm tăng bất công giữa những người có nhà.
Việc đánh thuế căn nhà thứ hai như thế nào và khi nào áp dụng vẫn cần thời gian để làm rõ. Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính thừa nhận, đề xuất đánh thuế căn hộ thứ hai trở đi đã được nghiên cứu từ cách đây hàng chục năm nhưng tới nay vẫn mới là ý tưởng. Đặc biệt, với cơ chế quản lý thông tin đất đai chưa có hệ thống đăng ký liên thông như hiện nay, việc đánh thuế không dễ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!