Qua các phiên thảo luận, nhiều khuyến nghị, sáng kiến và giải pháp xoay quanh việc xây dựng chương trình hành động trong lĩnh vực vận tải biển có trách nhiệm, đã nhận được các phân tích, giải pháp tích cực từ các đại biểu tham dự hội thảo.
Ông Matthew Pritchett, Tổ chức Freeland, đánh giá: "Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam ngày càng ưu tiên các chương trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã cũng như các loài sinh vật biển. Tại hội thảo, chúng tôi trao đổi để tìm ra những sáng kiến bảo tồn thiên nhiên và cũng để đảm bảo rằng các hoạt động vận tải biển đang ngày một phát triển tại Việt Nam sẽ không gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường".
Vận tải hàng hải diễn ra trên diện rộng nên tác động môi trường cũng ở quy mô lớn, không chỉ ở vùng biển quốc gia mà còn ở vùng biển quốc tế. Trong tuyên bố tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, các quốc gia cần hỗ trợ đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải để góp phần bảo vệ môi trường biển trong khu vực. 10/11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có biển, đảo - nơi tuyến hàng hải quốc tế đi qua và có tới 7 tuyến hàng hải cấp khu vực. Đây cũng là nơi có tam giác san hô toàn cầu, là trung tâm của đa dạng sinh học thế giới.
Việc cân bằng giữa nguồn lợi kinh tế từ vận tải hàng hải và bảo tồn môi trường biển không chỉ đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước trong khu vực mà còn cần sự tham gia của các quốc gia trên thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!