Một góc phố mua sắm ở New York (Mỹ). Ảnh TTX/TTXVN
Tuy nhiên, chi tiêu hộ gia đình vẫn được củng cố nhờ thị trường lao động ổn định và khoản tiền tiết kiệm khổng lồ của người dân, được xem là yếu tố sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Khảo sát do trường Đại học Michigan thực hiện, đưa ra ngày 13/5, cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã suy giảm trên tất cả các yếu tố như nhân khẩu học, vấn đề địa lý và chính trị. Giá xăng dầu và thị trường chứng khoán cũng chiếm phần lớn trong cuộc khảo sát này.
Chỉ số này đã giảm 9,4% xuống 59,1 vào đầu tháng 5/2022, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2011. Trong khi đó, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến đã dự báo chỉ số này giảm xuống 64. Mức giảm mạnh này trái ngược hoàn toàn với cuộc khảo sát niềm tin người tiêu dùng của Conference Board, khi chỉ số này vẫn trên mức thấp nhất ghi nhận được trong đại dịch COVID-19.
Cuộc khảo sát của Conference Board tập trung nhiều hơn vào thị trường lao động, nơi đang tạo ra nhiều việc làm. Tiền lương cũng đang tăng khi các nhà tuyển dụng cạnh tranh để lấp đầy 11,5 triệu vị trí việc làm mở tính đến cuối tháng 3/2022.
Chỉ số đo lường điều kiện kinh tế hiện tại của Đại học Michigan đã giảm 8,4% xuống 63,6, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2013 và 36% người tiêu dùng cho biết lạm phát là nguyên nhân khiến họ bi quan hơn. Còn chỉ số đo lường kỳ vọng của người tiêu dùng đã giảm 9,9% xuống 56,3.
Tuy vậy, dường như các nhà kinh tế không hề bất ngờ và lưu ý rằng người tiêu dùng đang sử dụng ít nhất 2.000 tỷ USD tiền tiết kiệm được tích lũy trong đại dịch.
Robert Frick, nhà kinh tế thuộc Hiệp hội tín dụng liên bang Navy (NFCU) ở Vienna, Virginia, cho biết hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục tăng, và nhờ mức tiết kiệm cao, nợ hộ gia đình thấp và thị trường việc làm mạnh, hoạt động này sẽ tiếp tục diễn ra.
Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) cho hay giá xăng tiếp tục xu hướng tăng trong tháng này, giao dịch trung bình ở mức 4,432 USD/gallon trong ngày 13/5. Lo ngại rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát đã dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu lớn trên Phố Wall.
Đã có những lo ngại rằng lạm phát cao và việc FED tăng lãi suất, bắt đầu từ tháng 3/2022, có thể đột ngột làm chậm tăng trưởng hoặc thậm chí đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Nền kinh tế Mỹ đã sụt giảm trong quý I/2022 do tác động của thâm hụt thương mại kỷ lục, song nhu cầu trong nước vẫn ổn định.
Mặc dù lạm phát có khả năng vẫn ở mức cao, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sức ép giá cả đã đạt đỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!