Theo CNN, so với thời điểm cuối tháng 12/2021, hiện chỉ số S&P 500 đã giảm đến 18%, đồng nghĩa với việc 7.000 tỷ USD vốn hoá "bốc hơi" khỏi thị trường.
Đáng chú ý, cố phiếu các công ty công nghệ thiệt hại nặng nề nhất. Ước tính gần 3.000 tỷ USD trong 7.000 tỷ USD sụt giảm vốn hóa thị trường của S&P 500 đến từ lĩnh vực công nghệ. Cổ phiếu các đại gia công nghệ như Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) và Tesla đều chìm trong sắc đỏ. Riêng Netflix đã mất 70% giá trị - giảm mạnh nhất trong S&P 500 năm nay.
Cùng với S&P 500, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng giảm tới 13% tính từ đầu năm đến nay.
Sự lao dốc của thị trường chứng khoán còn đang làm dấy lên hồi chuông báo động với các doanh nghiệp nhỏ. Họ lo ngại kinh tế Mỹ có thể mất đà sau khi đã phục hồi mạnh từ đại dịch.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Bespoke Investment Group, chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 20% trong 30 phiên giao dịch gần đây. Theo Bespoke, mức độ giảm này mới xuất hiện 11 lần trước đó. Và 9 trong 11 lần đó "liên quan đến suy thoái". Trong báo cáo khác đầu tuần này, Bespoke cho biết chỉ số Nasdaq 100 cũng có khởi đầu năm tệ nhất từ trước đến nay.
Dù vậy, vẫn có hy vọng thị trường sớm chạm đáy. "Cổ phiếu có thể tiếp tục bị bán tháo thêm một thời gian nữa, nhưng sẽ không kéo dài mãi", Bespoke nhận định.
CNN nhận định, các nhà đầu tư đang chờ đợi "giai đoạn từ bỏ" và khi tâm lý đang ở mức thấp nhất, các nhà đầu cơ bắt đầu tham gia thị trường, bắt đầu mua lại.
Theo các chuyên gia, thị trường hiện nay đang gần ở trạng thái này. Chỉ số Sợ hãi và tham lam trong kinh doanh (Business Fear & Greed Index) của CNN đã chỉ ra, tâm lý thị trường hiện nay đang đi vào mức "sợ hãi cực độ". Bảng chỉ số này được chia trên thang điểm từ 0-100 trong đó từ 0 đến 25 điểm là ở mức "Sợ hãi cực độ". Đánh giá hiện nay, thị trường đang ở mức điểm là 6.
Các ông lớn công nghệ chịu nhiều "đau thương"
Theo thông tin từ CNBC, nhiều cổ phiếu bị bán tháo sau khi FED quyết định tăng lãi suất vào giữa tuần trước, tuy nhiên, cổ phiếu công nghệ phải chịu nhiều "đau đớn" nhất so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Apple đã "bốc hơi" hơn 220 tỷ USD giá trị sau khi kết thúc phiên giao dịch vào thứ Tư – thời điểm chủ tịch FED, ông Jerome Powell tuyên bố nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm %, nhằm ứng phó với tỷ lệ lạm phát cao. Vào ngày 11/5 (theo giờ Mỹ), Apple không còn là công ty giá trị nhất thế giới khi bị công ty dầu mỏ khổng lồ Saudi Aramco đã vượt qua về vốn hóa.
Apple mất vị trí công ty giá trị nhất thế giới vì cổ phiếu lao dốc
Theo CNBC, trong bối cảnh thị trường tăng giá mạnh, các nhà đầu tư hiện ít quan tâm đến các hoạt động kinh doanh. Thay vào đó, tiền đang được đẩy nhiều hơn vào các "túi an toàn" hơn trên thị trường trong đó bao gồm cổ phiếu của các công ty hàng đầu về thực phẩm như Campbell Soup, General Mills và J.M. Smucker.
Tuần trước, FED nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đồng thời khẳng định sẽ hành động khẩn trương để kiềm chế lạm phát nhưng cũng cho biết, tổ chức này hiện chưa cân nhắc nâng lãi suất 0,75 điểm %.
Cùng với động thái nâng lãi suất, FED còn báo hiệu sẽ giảm bớt quy mô của bảng cân đối kế toán hiện ở mức 9.000 tỷ USD.
Bên cạnh cổ phiếu công nghệ, sự kết hợp giữa lãi suất cao và nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh lạm phát leo thang cũng là nguyên nhân khiến các nhóm cổ phiếu khác điêu đứng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!