Cước vận chuyển tăng "chóng mặt", doanh nghiệp xuất khẩu "khóc ròng"

Mai Phương - Đức Dương-Thứ năm, ngày 24/12/2020 09:49 GMT+7

VTV.vn - Vào dịp cao điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang không thể xuất khẩu hàng hóa đúng tiến độ bởi tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển và cước đang tăng chóng mặt.

Để xuất hàng đi châu Âu, một doanh nghiệp cho biết, trước kia trả 1.500 USD/container nhưng nay dù trả đến 7.000 USD vẫn không có container để đóng hàng. Cước vận tải quốc tế tăng, doanh nghiệp phải đàm phán lại mức giá bán mới với nhà nhập khẩu.

Bà Hiền Nguyễn - Trưởng phòng Kinh doanh - Công ty TNHH MTV Antfarm cho hay: "Buộc phải dự phòng, dự trù với một giá cước khá là cao nhưng hiện tại chúng tôi phải nhận phản hồi với khách hàng là với giá cao như vậy họ không chấp nhận mua hàng. Chúng tôi vẫn trong quá trình thương lượng với khách hàng và chưa có kết quả".

Cước vận chuyển tăng chóng mặt, doanh nghiệp xuất khẩu khóc ròng - Ảnh 1.

Cước phí vận tải hàng hóa quốc tế thời gian đang chứng kiến một sự gia tăng đột biến. Ảnh minh họa - Getty.

Trung bình tháng 12 doanh nghiệp Phúc Sinh có thể xuất 40 - 45 container hàng nông sản nhưng hiện nay số hàng xuất chưa bằng 1/5 thông thường. Ngoài việc giá cước tăng chóng mặt, tình trạng khan hiếm container rỗng cũng khiến kế hoạch xuất khẩu bị chững lại.

"Bây giờ cà phê và tiêu đang vào vụ nhưng chúng tôi không thể mua được vì có xuất khẩu được đâu. Tôi nghĩ điều này sẽ gây ảnh hưởng lên giá của nông dân, của nhà cung cấp bởi vì chúng tôi không thể mua được nếu chúng tôi không xuất được", ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Công ty Phúc Sinh nói.

Theo Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam, giá cước vận tải tăng phi mã là tình hình chung trên toàn cầu do các hãng tàu đang lỗ nặng buộc phải tăng giá hoặc cắt giảm số tàu hoạt động trên các tuyến. Tình trạng thiếu container rỗng thời gian qua cũng làm tăng thêm sự căng thẳng trong việc xuất khẩu cuối năm.

Cước vận chuyển tăng chóng mặt, doanh nghiệp xuất khẩu khóc ròng - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp đang không thể xuất khẩu hàng hóa đúng tiến độ bởi tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển và cước đang tăng chóng mặt. Ảnh minh họa - Dân trí.

"Phải lấy được container rỗng về nhà máy đóng hàng nhưng hiện nhiều doanh nghiệp không lấy được container rỗng đó hoặc phải mất rất nhiều công mới lấy được. Điều này gây tốn kém chi phí, tốn thời gian...", ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logictics Việt Nam cho biết.

Trước tình hình trên, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải biển về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 46. Tuy nhiên, dự báo tình hình khó có thể hạ nhiệt, do vậy chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp xoay sở kế hoạch sớm tránh bị động trong hoạt động kinh doanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước